Yếu tay chân do bệnh nhược cơ mà không biết
TP HCMAnh Nhật, 30 tuổi, đột ngột khó thở, yếu tay chân, bác sĩ phát hiện bệnh nhược cơ và truyền huyết tương loại bỏ kháng thể gây bệnh.
Anh Nguyễn Quang Nhật thường xuyên sụp nhẹ mí mắt trái, khó nuốt khi ăn thực phẩm cứng, triệu chứng kéo dài và càng nặng dần. Tuần trước, anh khó thở và yếu tay chân, được đưa đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 khám, kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với kháng thể chống lại thụ thể acetylcholine - dấu hiệu điển hình của bệnh nhược cơ (Myasthenia Gravis - MG).
ThS.BS Quãng Thành Ngân, Đơn vị Thần kinh, cho biết anh mắc bệnh nhược cơ - rối loạn thần kinh cơ mạn tính, xảy ra khi hệ miễn dịch nhầm lẫn, tạo ra các kháng thể tấn công, phá hủy hoặc làm tắc nghẽn thụ thể acetylcholine - loại protein giúp truyền tín hiệu giữa dây thần kinh và sợi cơ. Khi tín hiệu này bị gián đoạn, cơ không thể co bóp bình thường, dẫn đến yếu hoặc mỏi cơ, đặc biệt sau khi vận động.
Bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị cơn nhược cơ cấp cho anh Nhật, hỗ trợ hô hấp, truyền huyết tương để loại bỏ kháng thể gây bệnh. Anh Nhật cũng được sử dụng corticosteroid tĩnh mạch để kiểm soát tình trạng viêm và ức chế phản ứng miễn dịch bất thường. Sau 5 ngày điều trị, chức năng hô hấp của người bệnh dần ổn định, các triệu chứng giảm. Anh được chuyển sang điều trị duy trì với thuốc ức chế đặc hiệu để cải thiện quá trình truyền tín hiệu thần kinh đến cơ, kết hợp với corticosteroid đường uống kiểm soát viêm và duy trì chức năng miễn dịch.
Hiện anh Nhật hồi phục tốt, có thể sinh hoạt gần như bình thường, duy trì tái khám để theo dõi diễn tiến bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tái phát cơn nhược cơ cấp.
Bác sĩ Thành Ngân cho biết phụ nữ và người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh nhược cơ cao hơn. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mỗi tháng tiếp nhận khám và điều trị khoảng 200 trường hợp nhược cơ ở các mức độ khác nhau. Phần lớn trường hợp ở độ tuổi dưới 60.
Bệnh nhược cơ thường khởi phát với các triệu chứng khu trú ở vùng mắt như sụp mí hoặc nhìn đôi do yếu cơ quanh hốc mắt. Sau đó, tiến triển thành nhược cơ toàn thân (gMG), ảnh hưởng đến các nhóm cơ ở đầu, cổ, thân và tứ chi trong vòng 2-3 năm sau khi khởi phát. Trường hợp nghiêm trọng, người bệnh bị yếu cơ hô hấp dẫn đến khó thở, suy hô hấp, tử vong. Các triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với mệt mỏi khiến người bệnh bỏ qua.
Khi xuất hiện cơn nhược cơ cấp như khó thở, suy hô hấp, bác sĩ Ngân khuyên người bệnh cần được nhập viện ngay vì có thể phải thở máy. Điều trị nhược cơ cần cá thể hóa theo triệu chứng, loại kháng thể và mức độ ảnh hưởng đến cơ hô hấp, nuốt và vận động nhằm duy trì chức năng cơ, ngăn ngừa biến chứng hô hấp, tiêu hóa. Tùy trường hợp, người bệnh được dùng các thuốc ức chế miễn dịch, kháng viêm, truyền globulin miễn dịch, lọc huyết tương hoặc hỗ trợ hô hấp nếu cần.
Người bệnh nhược cơ có thể do u tuyến ức. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u để điều trị. Tuy nhiên, nếu u ác tính, người bệnh cần được phối hợp hóa trị hoặc xạ trị. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào thời điểm phát hiện, sức khỏe chung và kiểm soát biến chứng. Đa số trường hợp người bệnh phát hiện sớm, điều trị đúng có thể sống gần như bình thường.
Để chẩn đoán bệnh nhược cơ, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cần thiết gồm đo điện cơ, xét nghiệm máu tìm kháng thể và chụp CT hoặc MRI ngực để phát hiện các bất thường của tuyến ức.
Ngoài thuốc, người bệnh cần điều chỉnh lối sống theo chỉ dẫn của bác sĩ như ăn thức ăn mềm, chia nhỏ bữa, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng, ở trong môi trường nhiệt độ cao, ngủ đủ và không tự ý dùng thuốc.