Uống nhiều matcha latte có tốt?

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Uống nhiều matcha latte có tốt?

Uống nhiều matcha latte có tốt?
Matcha latte có lợi cho sức khỏe, song cần kiểm soát lượng dùng, thời điểm sử dụng và chọn loại nguyên chất, an toàn.

Thời gian gần đây, matcha latte là một trong những thức uống "hot trend" của giới trẻ, đặc biệt là dân văn phòng và học sinh, sinh viên. Theo số liệu được iPOS công bố trong Báo cáo thường niên về thị trường kinh doanh ẩm thực Việt Nam năm 2024, hồi tháng 3, đồ uống matcha đã vươn lên dẫn đầu với 29,6% doanh nghiệp lựa chọn, trở thành xu hướng mới đáng chú ý của ngành năm 2024. Matcha latte là một trong những biến thể có matcha được khách Việt yêu thích.

Theo bác sĩ Chu Thị Dung, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, matcha là bột trà xanh được xay mịn từ lá trà non Nhật Bản, trồng trong điều kiện che nắng để tăng hàm lượng chlorophyll và L-theanine. Không giống như trà xanh thông thường chỉ dùng phần nước hãm, khi uống matcha, ta tiêu thụ toàn bộ phần lá trà, do đó hàm lượng hoạt chất sinh học cũng cao hơn.

Một số thành phần chính trong matcha như:

Caffeine: Tạo sự tỉnh táo, tập trung, nhưng cũng có thể gây mất ngủ hoặc bồn chồn.
L-theanine: Một axit amin có khả năng làm dịu hệ thần kinh, cân bằng với tác dụng kích thích của caffeine.
Catechins (EGCG): Chất chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ tim mạch, chống lão hóa, hỗ trợ chuyển hóa mỡ.
Chính vì vậy, matcha thường được coi là "siêu thực phẩm", giúp chống lão hóa, giảm stress và hỗ trợ giảm cân.

Matcha latte là sự kết hợp giữa bột matcha và sữa (sữa tươi, sữa hạt, sữa đặc), thường được pha thêm đường hoặc siro để dễ uống. Sự hấp dẫn của loại thức uống này nằm ở màu sắc bắt mắt, hương vị dễ chịu, cảm giác sảng khoái.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Dung, nếu không kiểm soát lượng dùng, matcha latte có thể gây ra những hệ lụy sức khỏe khó lường.
Uống matcha latte mỗi ngày, lợi hay hại?

Hàm lượng caffeine khá cao

Mỗi ly matcha latte thường chứa khoảng 2 g matcha, cung cấp khoảng 60-80 mg caffeine, tương đương nửa ly cà phê. Nếu uống 2-3 ly/ngày, cơ thể có thể nạp hơn 150-200 mg caffeine, gây mất ngủ, tim đập nhanh, lo âu, đặc biệt với người nhạy cảm.

Đường và calo ẩn sau vị ngọt thanh

Nhiều quán dùng sữa đặc, siro đường hoặc sữa ngọt để pha matcha latte. Trung bình một ly có thể chứa đến 15-25 g đường, tương đương 3-5 thìa cà phê đường, vượt quá khuyến nghị của WHO về lượng đường dùng trong ngày.

Ảnh hưởng đến hấp thu sắt

EGCG và catechin trong matcha ức chế hấp thu sắt không heme (từ thực vật). Người có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt (đặc biệt là phụ nữ trẻ, ăn chay trường) nên hạn chế uống matcha gần bữa ăn hoặc uống quá thường xuyên.

Nguồn gốc không rõ ràng có thể gây hại

Một số loại matcha giá rẻ, không rõ xuất xứ có thể chứa kim loại nặng hoặc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến gan, thận nếu dùng lâu dài.

Cách sử dụng matcha latte an toàn và khoa học

Bác sĩ Dung cho biết, theo y học hiện đại, matcha là nguồn chất chống oxy hóa, nhưng lợi ích chỉ đạt được khi dùng đúng liều và kết hợp với chế độ ăn lành mạnh. Nếu lạm dụng, lợi bất cập hại.

Còn theo y học cổ truyền, trà xanh (lục trà) được xếp vào nhóm thanh nhiệt, lợi thấp, có thể giúp làm mát gan, tiêu hóa tốt, giải độc. Tuy nhiên, tính hàn của matcha không phù hợp với người tỳ vị hư hàn, dễ gây đau bụng, tiêu chảy, lạnh tay chân nếu dùng nhiều hoặc khi bụng đói.

Để đảm bảo sức khỏe, chỉ nên uống 1 ly/ngày, ưu tiên vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều. Chọn matcha nguyên chất, có chứng nhận an toàn, không phẩm màu, không tạp chất. Dùng sữa không đường hoặc sữa hạt ít ngọt, hạn chế thêm đường hoặc siro. Không uống lúc bụng đói hoặc ngay trước giờ ngủ. Người có bệnh dạ dày, thiếu máu, rối loạn giấc ngủ, phụ nữ có thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thường xuyên.

"Nếu biết dùng đúng cách, đây vẫn là một lựa chọn tốt giúp tinh thần tỉnh táo và cung cấp chất chống oxy hóa", bác sĩ Dung chia sẻ.

Bản đồ