Cấp cứu đột quỵ muộn, nguy cơ tàn phế cao

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cấp cứu đột quỵ muộn, nguy cơ tàn phế cao

Cấp cứu đột quỵ muộn, nguy cơ tàn phế cao
Bệnh viện Hoàn Mỹ khảo sát 179 ca cấp cứu đột quỵ ghi nhận từ lúc khởi phát triệu chứng đến khi vào viện là 16 giờ, trong khi thời gian vàng 4,5-6 giờ, dẫn đến tỷ lệ tàn phế cao.

"Hầu hết bệnh nhân cho biết triệu chứng yếu nhẹ nên chờ tự khỏi, đến khi chờ một hai ngày triệu chứng nặng dần mới đi cấp cứu", BS.CKI Mai Thị Hương Lan, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, chia sẻ tại hội thảo chiều 10/5.

Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến cấp cứu muộn là người bệnh và gia đình thiếu nhận thức triệu chứng đột quỵ, không nhận biết dấu hiệu FAST (méo miệng, yếu tay, nói khó, mất thị lực). Không ít trường hợp nhầm lẫn với cảm cúm, tự điều trị bằng cách đánh gió, chích máu ngón tay hoặc các thuốc dân gian. 70% bệnh nhân tự dùng xe cá nhân thay vì gọi 115, dẫn đến di chuyển chậm hơn, đi cấp cứu đột quỵ sai nơi, đưa đến đơn vị không thể điều trị làm tốn thêm thời gian chuyển tiếp.

Khảo sát này còn ghi nhận nhiều trường hợp không hiểu về giờ vàng, chưa biết rằng mỗi phút chậm trễ cấp cứu đột quỵ sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí tử vong. Nhiều người mắc bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường nhưng không kiểm soát vì không nghĩ có thể dẫn đến đột quỵ.

Cũng tại hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng điều đáng sợ nhất của đột quỵ không chỉ tử vong mà là tỷ lệ tàn phế rất cao. Cứ 10 người đột quỵ thì 7 không thể quay lại cuộc sống bình thường như trước.

"Điều trị tái thông là phương pháp duy nhất, có tính quyết định giúp bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, nhưng chỉ có thể áp dụng nếu đến viện sớm", phó giáo sư Thắng nói. Qua thời gian vàng, việc điều trị chỉ giúp giảm nhẹ di chứng, biến chứng, chứ không thể chữa khỏi.
Các thống kê tại Việt Nam ghi nhận 80% bệnh nhân đột quỵ không được điều trị do đến bệnh viện quá cửa sổ 4,5 giờ đầu. Trong khi đó, đột quỵ ở Việt Nam đang dần trẻ hóa, nhiều người còn đang độ tuổi lao động, sau cơn đột quỵ không thể quay trở lại công việc, tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Hầu hết người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt, cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...

Ước tính, một trong 4 người trưởng thành trên 25 tuổi có nguy cơ mắc đột quỵ trong đời. Khoảng 90% các bệnh nhân đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp,đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rung nhĩ, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia... Để phòng ngừa đột quỵ, cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị ở Việt Nam rất hạn chế, đáng báo động. Đa số bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ trên đều cảm thấy khỏe mạnh nên lơ là điều trị, rất ít người uống thuốc lâu dài theo chỉ định bác sĩ.

Các chuyên gia cho rằng việc nhận thức của cộng đồng về đột quỵ vẫn chưa cao, dẫn đến tiếp cận điều trị trễ. Điều quan trọng là cần nhận diện sớm, bằng cách yêu cầu người bệnh cười hoặc nhăn mặt, nếu một bên mặt bị xệ hoặc không thể cử động bình thường có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Yêu cầu nâng cả hai tay lên, cảnh giác nếu một tay yếu hoặc rơi xuống, không thể giữ vững. Người bệnh lặp lại một câu đơn giản, nếu nói không rõ hoặc không thể nói được có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, đưa người bệnh đến cơ sở điều trị đột quỵ gần nhất.

Dịp này, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đón nhận Chứng nhận Vàng của Hội Đột quỵ Thế giới trong hai quý liên tiếp. Một trong những tiêu chí quan trọng để đạt chứng nhận này là tỷ lệ người bệnh đột quỵ được điều trị trong khoảng thời gian từ 60 đến 120 phút.

Bản đồ