Tại sao bệnh lậu dễ lây?

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tại sao bệnh lậu dễ lây?

Tại sao bệnh lậu dễ lây?
Vi khuẩn lậu trú chủ yếu ở cơ quan sinh dục, hậu môn, miệng nên dễ lây truyền khi quan hệ tình dục không an toàn, kể cả khi chưa có triệu chứng bệnh.

Lậu là một trong các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) phổ biến, do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu khuẩn) gây ra. Vi khuẩn này có thể di chuyển vào đường sinh sản, gây viêm tắc vòi trứng, viêm mào tinh hoàn, dẫn đến vô sinh nam và nữ.

BS.CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho hay bệnh lậu nguy hiểm và dễ lây lan vì một số lý do. Đặc trưng của lậu cầu khuẩn là khu trú ở những khu vực nhạy cảm trên cơ thể, gồm bộ phận sinh dục, tiết niệu (đường niệu đạo ở nam giới, cổ tử cung và niệu đạo ở nữ giới), trực tràng, họng, mắt. Do đó, khi quan hệ tình dục, gồm cả đường âm đạo, hậu môn, miệng, đều dễ lây nhiễm khuẩn.

Người quan hệ đường miệng và hậu môn cũng dễ mắc và tái nhiễm lậu bởi vi khuẩn lậu có khả năng xâm nhập, phát triển ở lớp biểu mô. Khi quan hệ không dùng bao cao su, đồng thời dùng chất kích thích có thể mất kiểm soát hành vi, gây tổn thương niêm mạc khiến lậu cầu khuẩn xâm nhập vào cơ thể dễ hơn.

Lậu cũng truyền từ mẹ sang con qua mắt trẻ khi sinh thường. Quá trình chăm sóc trẻ, nếu dịch tiết mủ chứa vi khuẩn lậu dính vào mắt cũng có thể lây bệnh. Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh như quan hệ tình dục với nhiều người, với đối tác mới, có tiền sử mắc bệnh lậu hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Lậu cầu khuẩn có khả năng lây từ nữ sang nam và ngược lại, bạn tình đồng giới, chuyển giới. Bệnh lây mạnh nhất trong độ tuổi sinh sản và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

"Nhiều trường hợp mắc bệnh lậu nhưng không có triệu chứng, đây chính là nguồn lây nhiễm âm thầm, nguy hiểm", bác sĩ Vân nói, thêm rằng lậu còn lây cả trong thời gian ủ bệnh, khi chưa có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh được tính từ khi người bệnh tiếp xúc với vi khuẩn lậu tới khi xuất hiện các triệu chứng, thường 3-5 ngày, có thể khoảng 1-14 ngày. Nữ giới nhiễm lậu thường không có triệu chứng rõ ràng nên có thể không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng hoặc dễ lây lan cho người khác.

Người bệnh mắc bệnh lậu không có miễn dịch bảo vệ, tức cơ thể không tạo ra kháng thể để ngăn ngừa tái nhiễm. Lậu cầu khuẩn lại có nhiều chủng và hiện chưa có vaccine phòng ngừa nên người bệnh dễ tái nhiễm nếu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ.

Theo bác sĩ Vân, nguyên tắc điều trị của các bệnh STIs, gồm lậu, là điều trị đồng thời cho cả người bệnh và bạn tình của họ. Ở môi trường bên trong cơ thể, lậu cầu khuẩn có khả năng sống mạnh, thường được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, có một số chủng kháng các loại kháng sinh được sử dụng để điều trị, gọi là "siêu vi khuẩn lậu". Điều trị những trường hợp này khó khăn hơn khi phải thay đổi hoặc phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau để tiêu diệt vi khuẩn.

Mục đích điều trị lậu là khỏi bệnh nhanh, tránh tái nhiễm, tái phát và không để biến chứng. Để đạt được hiệu quả này, người bệnh cần tránh quan hệ tình dục, không uống rượu bia, không làm việc nặng, không làm các thủ thuật tiết niệu, sinh dục trong thời gian điều trị và ít nhất trong một tuần sau khi hoàn thành phác đồ.

Bác sĩ Vân khuyến cáo người bệnh cần khám da liễu hoặc sản phụ khoa, nam khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi quan hệ không an toàn với người bị nhiễm lậu, ngay cả chưa có các triệu chứng. Các triệu chứng lậu như vùng kín tiết dịch hay mủ, đau sưng tinh hoàn, đau bụng dưới, đau rát khi đi tiểu và quan hệ tình dục, cổ họng ngứa, đau nhức, khó nuốt, hậu môn ngứa, tiết dịch.

Bản đồ