Dấu hiệu sốc sốt xuất huyết dễ bị bỏ sót

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dấu hiệu sốc sốt xuất huyết dễ bị bỏ sót

Dấu hiệu sốc sốt xuất huyết dễ bị bỏ sót
Đau bụng, chảy máu chân răng, chân tay lạnh, li bì... báo hiệu sốc sốt xuất huyết song dễ bị bỏ qua do chủ quan hoặc dùng sai thuốc.

BS.CKII Lê Thị Mỹ Châu, bác sĩ điều trị khoa Nội tổng hợp - chuyên khoa Bệnh nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết như trên trong bối cảnh Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cảnh báo sốt xuất huyết gia tăng tại nhiều địa phương. Số ca nhiễm hàng tuần có xu hướng tăng nhanh và lan rộng tại địa bàn, trong đó ca nặng ghi nhận ở cả trẻ em và người lớn.

Theo bác sĩ Châu, sốc sốt xuất huyết là tình trạng suy tuần hoàn cấp tính, xảy ra khi một lượng lớn huyết tương bị thoát ra khỏi lòng mạch máu, dẫn tới suy đa cơ quan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Phần lớn mắc sốc sốt xuất huyết nặng do người nhà chủ quan, cho rằng bệnh có thể điều trị tại nhà, chỉ cần vượt qua giai đoạn sốt. Tình huống thường gặp là bệnh nhân nhập viện vào ngày 4-6 với biểu hiện sốc sốt huyết như nôn ói, đau bụng nhiều, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết âm đạo...


Bệnh viện cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhân được cho dùng thuốc không đúng cách, khiến dấu hiệu bệnh bị che mờ, dẫn tới khó phát hiện triệu chứng trở nặng. Ví dụ người bệnh được cho sử dụng thuốc giảm đau khi đau đầu, cơ, xương, hốc mắt, hoặc liên tục dùng thuốc hạ sốt không đúng chỉ định làm rối loạn biểu hiện bệnh.

Ngoài ra, người nhà không nắm các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng, các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, phát ban... dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như sốt virus, sốt phát ban, thủy đậu, tay chân miệng, sởi gây khó theo dõi và điều trị kịp thời.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốc sốt xuất huyết vào nhóm "sốt xuất huyết Dengue thể nặng" và là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh. Nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 20%.

Bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý điều trị bệnh sốt xuất huyết hoặc sử dụng thuốc không đúng chỉ định. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu sốt hơn hai ngày, cần khám tại cơ sở y tế. Trường hợp điều trị ngoại trú, cần thăm khám và theo dõi các dấu hiệu bất thường, đặc biệt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng gồm: nôn ói, đau bụng nhiều và liên tục; xuất huyết niêm mạc như nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chân tay lạnh, vật vã, mệt mỏi, li bì...


BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị hiện tập trung vào chăm sóc, điều trị theo triệu chứng.

Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi đốt, cao điểm thường vào tháng 5-11 hàng năm. Do đó chiến lược kiểm soát bệnh sốt xuất huyết tập trung vào phòng ngừa bệnh, không để xảy ra dịch bệnh.

Hiện, chu kỳ dịch sốt xuất huyết đang giảm từ 5 năm xuống còn 3-4 năm, thời tiết Việt Nam đang mùa nắng nóng, kèm mưa bão, lũ lụt tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh sôi. Bác sĩ Chính khuyến cáo người dân kiểm soát và tiêu diệt muỗi trung gian truyền bệnh, dành tối thiểu 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và loại bỏ các ổ chứa bọ gậy trong vật dụng chứa nước sinh hoạt. Các dụng cụ chứa nước nên được rửa, đậy kín để muỗi không đẻ trứng. Mọi người ngủ màn cả ban ngày, mặc quần áo dài, sử dụng kem xua muỗi, đèn hoặc vợt điện.

Bệnh có thể phòng ngừa nhờ vaccine với mũi Qdenga do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất, chỉ định cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Vaccine giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lên đến hơn 80% và giảm nguy cơ nhập viện hơn 90%.

Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ nên tiêm vaccine này trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.

Bác sĩ Chính khuyến cáo người dân tiêm vaccine sớm, do vaccine cần trung bình hai tuần để tạo kháng thể bảo vệ. Mỗi người cần tiêm đủ hai mũi vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối đa. Việc này giúp giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết, biến chứng và tốn kém chi phí điều trị.

Bản đồ