Ung thư bàng quang có thể phòng ngừa không?

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ung thư bàng quang có thể phòng ngừa không?

Ung thư bàng quang có thể phòng ngừa không?
Nguy cơ ung thư bàng quang tăng theo tuổi tác, giới tính, song một số điều chỉnh trong thói quen sinh hoạt, môi trường sống có thể làm giảm khả năng phát triển bệnh.

Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào bàng quang phát triển bất thường. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), sự phát triển bất thường này là kết quả của một số thay đổi nhất định trong DNA của các tế bào bàng quang, gọi là đột biến gene. Một số người sinh ra đã mang đột biến gene có thể gây ung thư bàng quang. Những người khác bị đột biến gene do những yếu tố gặp phải trong quá trình sinh sống, làm việc.

Yếu tố nguy cơ không thể phòng ngừa

Độ tuổi: Nguy cơ ung thư bàng quang tăng theo tuổi tác. Theo ACS, cứ 10 trường hợp ung thư bàng quang thì có 9 người trên 55 tuổi.

Giới tính: ACS ước tính tỷ lệ mắc ung thư bàng quang ở nam giới là 1/27, trong khi ở nữ giới là 1/89.

Các vấn đề và bất thường về bàng quang: Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), sỏi bàng quang và bệnh sán máng mạn tính làm tăng nguy cơ phát triển tế bào bất thường ở bàng quang. Một số dị tật bẩm sinh như thoát vị ngoài bàng quang hoặc niệu rốn, cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Các phương pháp điều trị ung thư: Xạ trị hoặc hóa trị ở vùng chậu trong thời gian dài cũng có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư bàng quang.

Tiền sử mắc bệnh: Người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư bàng quang cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa

Một số điều chỉnh về lối sống, thói quen có thể giúp giảm nguy cơ dẫn tới đột biến gene gây ung thư bàng quang.

Bỏ hoặc tránh hút thuốc: Theo ACS, người hút thuốc có khả năng mắc ung thư bàng quang cao gấp ba lần so với người không hút. Tại Mỹ, thuốc lá liên quan đến khoảng một nửa số ca ung thư bàng quang.

Một đánh giá tổng hợp của các nhà khoa học Hà Lan năm 2016 khuyến cáo bỏ hút thuốc có thể làm giảm khả năng mắc ung thư bàng quang. Tuy nhiên, ngay cả sau 20 năm cai thuốc, những người từng hút thuốc vẫn có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn 50% so với người chưa từng hút thuốc.

Giảm tiếp xúc với hóa chất: Theo một đánh giá năm 2022 của các chuyên gia Mỹ, tiếp xúc với một số hóa chất nhất định có thể gây ung thư bàng quang bao gồm phenacetin, cyclophosphamide, arsenic.

Tiếp xúc với một số sản phẩm tại nơi làm việc cũng có thể là yếu tố nguy cơ như cao su, da, hàng dệt may, sơn, thuốc nhuộm. ACS lưu ý rằng tiếp xúc với khói diesel tại nơi làm việc có thể gây ung thư bàng quang. Do đó, người lao động nên mặc đồ bảo hộ và tránh tiếp xúc kéo dài với các hóa chất, sản phẩm này để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Uống nước: Thói quen uống nước cũng liên quan ung thư bàng quang. Ví dụ, bất kỳ ai uống nước bị nhiễm asen đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Mọi người nên uống đủ nước để hỗ trợ cơ thể đào thải các độc tố.

Ăn uống cân bằng, tập thể dục: Không có loại thực phẩm nào có thể bảo vệ hoặc điều trị ung thư bàng quang. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng, trái cây và rau quả tăng cường sức khỏe tổng thể, có thể giúp giảm khả năng mắc loại ung thư này.

Dinh dưỡng đầy đủ cũng rất quan trọng đối với các cá nhân trong và sau quá trình điều trị ung thư. Nó giúp cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần và giảm tác dụng phụ của quá trình điều trị.

Ung thư bàng quang là loại ung thư hệ tiết niệu thường gặp. Các triệu chứng có thể xuất hiện sớm nhưng dễ nhầm lẫn với các bệnh đường tiết niệu thông thường như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sỏi bàng quang, bàng quang tăng hoạt, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới. Người bệnh cần sớm đến bệnh viện khám khi có các dấu hiệu như tiểu máu, đau buốt hay nóng rát khi đi tiểu, tiểu gấp, tiểu nhiều lần hơn, tiểu đêm, dòng tiểu yếu, tiểu khó.

Bản đồ