Chơi game quá 180 phút mỗi ngày hại sức khỏe thế nào

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chơi game quá 180 phút mỗi ngày hại sức khỏe thế nào

Chơi game quá 180 phút mỗi ngày hại sức khỏe thế nào
Chơi game quá 180 phút mỗi ngày dễ gây chấn thương cơ bắp như viêm gân, đau cẳng tay, đau vai..., đồng thời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần.

Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành cuối tuần qua, thay thế cho Nghị định 72/2013 và 27/2018, trong đó bổ sung các điện kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 11 điều kiện, bao gồm các vấn đề về kỹ thuật, tài chính, nhân sự, kết nối.

Nhà cung cấp phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian chơi trong ngày của người dưới 18 tuổi, không quá 60 phút đối với từng trò, không quá 180 phút với tất cả trò chơi mà doanh nghiệp cung cấp.

Ngoài ra, đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị, với tuần suất 30 phút/lần trong suốt quá trình chơi.

Theo ThS.BS Calvin Q Trịnh - Giám đốc Đơn vị Phục hồi chức năng và hình thể chuẩn Mỹ (HMR), việc chơi game quá 180 phút mỗi ngày có thể dẫn nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, có thể kể đến như:

Tổn thương cổ tay

Việc chơi game thường dẫn đến hội chứng ống cổ tay, đau tê các ngón tay, làm giảm phạm vi chuyển động của cổ tay và khiến tay bị đau.

Một số tình trạng khác như phồng rộp da, chai tay và tê tay (bệnh thần kinh ngoại biên) hoặc thậm chí xuất hiện cục máu đông.

Viêm gân

Viêm gân phát sinh khi hoạt động quá mức, các mô liên kết xương và cơ bị viêm, tay bạn có thể bị đau nhức và sưng tấy, có thể gây ảnh hưởng đến độ linh hoạt của tay khi chơi game. Đặc biệt, khớp ngón tay cái cũng rất dễ bị chấn thương khi chơi game.

Đau cẳng tay

Chuyển động lặp đi lặp lại với cường độ cao khi chơi game có thể làm viêm cơ, đau cơ, tổn thương cơ, đau dọc theo chiều dài cơ. Lúc này, bạn có thể sẽ cảm thấy đau ở khuỷu tay, cẳng tay, và có thể lan xuống toàn bộ cánh tay.

Đau vai

Đau cơ bắp tay thường xuyên xảy ra ở những người chơi game trên PC, do phần cơ này thường bị sử dụng quá độ. Nếu không khắc phục tình trạng này, bạn có thể bị thương và các chấn thương có thể trở nên trầm trọng hơn vì nhiều lý do.

Đau lưng và cổ

Việc ngước lên và cúi xuống liên tục, tư thế ngồi xấu, ngồi lâu và không hoạt động, thiết kế của bàn làm việc không đúng có thể gây căng thẳng cho lưng và cổ.

Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi bạn phải làm những việc đó liên tục, dẫn tới hiện tượng mất cân bằng cơ thân trên trầm trọng, bệnh sẽ tiến triển sang thoái hóa, thoát vị đĩa đệm.

Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần

Chơi game nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người chơi như luôn cảm thấy mệt mỏi, cảm giác mất năng lượng hoặc nghỉ ngơi khó lại sức do ngồi chơi game kéo dài và liên tục.

Thường xuyên chơi game còn gây buồn chán, bi quan, cảm giác cô đơn, bất an; mất các hứng thú với các thú vui, sở thích cũ, mọi thứ chỉ dồn vào game; dễ cảm thấy bực dọc, cáu gắt, dễ gây gổ dù chỉ những chuyện rất nhỏ.

Nhiều người chơi còn rối loạn giấc ngủ; chán ăn, ăn ít, thậm chí có xu hướng muốn bạo lực hoặc tự sát.
Nhiều trường hợp chơi game thường xuyên trong nhiều giờ dẫn đến nghiện. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa nghiện Internet, game vào nhóm các rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi hành vi chơi dai dẳng, tái diễn. Người nghiện game khó kiểm soát mức độ chơi game (như tần suất, cường độ, thời gian, bối cảnh), thậm chí mất kiểm soát đối với việc chơi game.

Các triệu chứng của nghiện game có thể quan sát được, như không thể thoát ra được cám dỗ chơi game, có quyết định chơi game hay không, khi nào thì dừng lại... Lúc đầu định chơi 1-2 tiếng, về sau thành 7-8 tiếng. Khi không được chơi, bệnh nhân có biểu hiện cáu gắt, chửi bới, phản ứng mạnh mẽ với người thân, thậm chí có trường hợp dọa tự sát.

Triệu chứng thứ hai giống trầm cảm. Người nghiện game khí sắc giảm, mất quan tâm hứng thú với mọi thứ, người mệt mỏi, ăn ngủ thất thường, gây suy giảm chức năng nghề nghiệp, học tập, chức năng giao tiếp xã hội đáng kể. Khi hỏi trực tiếp người bệnh về việc chơi game, họ thường có xu hướng nói tránh về thời gian sử dụng game của mình.

Một người nghiện game sẽ dẫn tới việc thay đổi tâm thần vận động, bao gồm kích động, vận động chậm, chậm chạp khi giao tiếp, giọng nói nhỏ, số lượng ngôn ngữ ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí không nói. Ngoài ra bệnh nhân còn rối loạn trí nhớ.

Theo các bác sĩ, thời gian điều trị bệnh của người nghiện game khó nói trước. Khi ra viện, bệnh nhân vẫn có thể tái nghiện. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị tâm thế và ý chí kiên định để thực hiện các biện pháp cai nghiện.

Gia đình cần quản lý việc sử dụng điện thoại, các thiết bị truy cập mạng... tập cho con thói quen sống lành mạnh. Ngoài ra, để tăng hiệu quả, bạn nên gặp chuyên gia tâm lý.

Bản đồ