Nên dùng vòi xịt hay giấy vệ sinh?
Nhiều người cho rằng vòi xịt sạch sẽ, ít gây kích ứng da và thân thiện với môi trường hơn giấy vệ sinh.
Vòi xịt là thiết bị phun nước được thiết kế để làm sạch hậu môn sau khi đại tiện hoặc tiểu tiện. Thiết bị này có thể gắn trực tiếp vào bồn cầu hoặc là một vật dụng độc lập. Tại nhiều quốc gia châu Á, châu Âu và Nam Mỹ, sử dụng vòi xịt phổ biến và ngày càng được ưa chuộng.
Theo bác sĩ Christine Lee, chuyên gia tiêu hóa tại bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ), sử dụng nước để vệ sinh sạch sẽ hơn giấy vệ sinh khô. Nước giúp làm sạch hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với chất thải.
Ngoài ra, vòi xịt nhẹ nhàng hơn với làn da, đặc biệt hữu ích với những người bị trĩ hoặc nứt hậu môn, cũng như người gặp khó khăn trong vận động.
Bên cạnh yếu tố vệ sinh, vòi xịt là lựa chọn thân thiện với môi trường và kinh tế hơn. Giảm sử dụng giấy vệ sinh giúp tiết kiệm chi phí lâu dài và hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên như cây xanh và nước trong quá trình sản xuất giấy.
Tuy nhiên, hiệu quả của vòi xịt vệ sinh vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Một số tuyên bố từ các nhà sản xuất về khả năng "phòng bệnh" của thiết bị này hiện chưa có cơ sở khoa học rõ ràng.
Một nghiên cứu từng cho thấy vòi xịt có thể giúp giảm áp lực trực tràng, yếu tố có thể có lợi cho người bị trĩ, nhưng quy mô nhỏ, chưa đủ kết luận.
Tiến sĩ John Swartzberg, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học California (Berkeley, Mỹ), cho biết chưa có bằng chứng cho thấy vòi xịt giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu hay bệnh lý hậu môn - trực tràng.
Tuy nhiên, ông thừa nhận phương pháp này có thể mang lại cảm giác sạch sẽ hơn, đặc biệt nếu được sử dụng đúng cách. "Không có phương pháp nào hoàn hảo. Quan trọng là duy trì vệ sinh đúng cách và không gây tổn thương cho cơ thể", Swartzberg nói.
Vòi xịt có thể giúp làm sạch hiệu quả hơn giấy vệ sinh, nhưng nếu sử dụng áp lực nước quá mạnh, có thể gây tổn thương cơ thắt hậu môn hoặc làm phát tán vi khuẩn ra không khí. Các chuyên gia khuyến cáo nên dùng vòi xịt với áp suất vừa phải, nước ấm và tránh xịt trực tiếp vào hậu môn hoặc âm đạo để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.
Trong khi đó, giấy vệ sinh dù không sạch sâu bằng nước, vẫn là lựa chọn phổ biến nhờ tính tiện dụng. Tuy nhiên, lạm dụng giấy, đặc biệt loại mỏng hoặc kém chất lượng, có thể gây trầy xước, kích ứng da và không loại bỏ hoàn toàn chất bẩn.
Các chuyên gia cho rằng kết hợp giữa vòi xịt và một lượng nhỏ giấy để lau khô có thể là lựa chọn tối ưu cho nhiều người.