AI hay con người có EQ cao hơn?

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

AI hay con người có EQ cao hơn?

AI hay con người có EQ cao hơn?
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Geneva và Đại học Bern, Thụy Sĩ cho thấy AI vượt trội hơn con người trong các bài kiểm tra trí tuệ cảm xúc (EQ) tiêu chuẩn.

Thuật ngữ EQ - trí tuệ cảm xúc - được hai nhà tâm lý học người Mỹ John D. Mayer và Peter Salovey đặt ra vào năm 1990.

Họ định nghĩa trí tuệ cảm xúc là "Một tập hợp các kỹ năng giúp hiểu, điều chỉnh cảm xúc của bản thân và người khác để sống hiệu quả và đạt mục tiêu trong cuộc sống". EQ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người trong cả mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp, quan hệ gia đình, giáo dục, việc làm, sức khỏe tâm thần và nhiều lĩnh vực khác.

Nhận thức được tầm quan trọng của EQ, các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá khả năng trí tuệ cảm xúc của AI, thông qua 5 bài kiểm tra tương tự khi đánh giá con người. Kết quả cho thấy các mô hình trí tuệ nhân tạo đạt điểm cao hơn đáng kể so với con người tham gia trong nghiên cứu, với điểm chính xác trung bình là 81% so với mức trung bình 56% của con người. AI thể hiện khả năng đồng cảm về mặt nhận thức rất mạnh mẽ, thông qua việc hiểu được các tác nhân gây cảm xúc, hậu quả và chiến lược điều chỉnh.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra, những kết quả này góp phần vào bằng chứng ngày càng tăng cho thấy các mô hình trí tuệ nhân tạo như ChatGPT có năng lực, ít nhất là ngang bằng hoặc thậm chí vượt trội hơn nhiều người trong các nhiệm vụ xã hội, cảm xúc vốn chỉ con người mới có thể thực hiện được.

Mặc dù chỉ ra những bước tiến dài của AI, nhiều chuyên gia khác vẫn phản bác tuyên bố "AI vượt trội hơn con người". Họ cho rằng các bài kiểm tra thường dựa trên điều kiện được kiểm soát nhân tạo và bỏ qua sức mạnh của con người trong các bối cảnh đặc thù. AI có thể đạt điểm cao trong các bài kiểm tra có cấu trúc nhưng lại gặp khó khăn trong các tình huống cảm xúc thực tế, nhiều sắc thái, giàu ngữ cảnh, vốn là đặc trưng của giao tiếp giữa con người.

Do đó, việc quá phụ thuộc vào AI, đặc biệt là trong hỗ trợ cảm xúc, làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc cảm xúc, quyền riêng tư và sự suy giảm các kỹ năng cảm xúc tự nhiên.

Năm 2023, các nghiên cứu từ tạp chí tâm lý học và AI từng kết luận AI có khả năng EQ rất hạn chế, chỉ giới hạn ở những nhiệm vụ cụ thể. Một bài đánh giá trên tạp chí chuyên ngành Frontiers in Psychology chỉ ra, AI có thể nhận biết và phản ứng với các tín hiệu cảm xúc, nhưng thiếu chiều sâu, tính xác thực và nền tảng đạo đức mà con người mang lại.

Trong khi đó, EQ của con người tinh tế hơn và gắn liền với trải nghiệm sống. Dù có thể mô phỏng trí tuệ cảm xúc, đặc biệt là trong các lĩnh vực như phân tích tình cảm, nhận dạng cảm xúc trong giọng nói/văn bản/biểu cảm khuôn mặt, AI được cho thiếu sự tự nhận thức thực sự, sự đồng cảm chân thành lẫn hiểu biết theo ngữ cảnh về trải nghiệm của con người. Ví dụ, AI có thể phát hiện nỗi buồn trong giọng nói nhưng không cảm nhận hoặc hiểu được nỗi buồn như con người.

Thùy Linh (Theo Psychology Today)

Bản đồ