5 dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D
Trẻ thiếu vitamin D thường bị yếu cơ, chuột rút, hệ miễn dịch yếu, đau xương, mệt mỏi hoặc trầm cảm.
Vitamin D giúp cơ thể của trẻ khỏe mạnh, phát triển xương và cơ bắp, thúc đẩy hấp thụ canxi, phốt pho từ thực phẩm. Thiếu hụt vitamin D ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bé. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy bé không nhận đủ vitamin này.
Rối loạn giấc ngủ
Thiếu hụt vitamin D làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, trẻ thường khó ngủ và thức giấc ban đêm. Tình trạng này có thể dẫn đến mệt mỏi thường xuyên, ngủ không đúng giờ, quấy khóc mọi lúc. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bé cũng dễ đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm khi ngủ.
Cơ thể mệt mỏi
Trẻ thiếu vitamin D dễ bị yếu cơ hoặc chuột rút kèm theo đau xương, mệt mỏi hoặc chán nản. Mệt mỏi kéo dài cũng dẫn đến thay đổi tâm trạng, cáu gắt, thiếu tập trung, từ đó gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa.
Da nhợt nhạt
Cholesterol trong da được chuyển hóa thành vitamin D khi hấp thụ ánh sáng mặt trời, nhờ đó duy trì các tế bào da khỏe mạnh. Vitamin D góp phần quyết định tông màu da, giúp da sáng và rạng rỡ. Khi cơ thể không hấp thụ đủ vitamin này, da có thể bị nhợt nhạt.
Mất cảm giác thèm ăn
Vitamin D không ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng của trẻ nhưng có thể liên quan đến những yếu tố góp phần gây sụt cân. Trẻ mệt mỏi không có cảm giác thèm ăn, dẫn đến sụt cân, khiến hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh hô hấp khi chuyển mùa. Nếu cha mẹ nhận thấy sự thay đổi trong thói quen ăn uống của con hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Còi xương
Khi thiếu vitamin D kéo dài, trẻ có nguy cơ còi xương. Bệnh dẫn đến xương mềm, mỏng, yếu, biến dạng, thường xảy ra ở trẻ đang lớn. Nồng độ vitamin D thấp ở trẻ nhỏ cũng làm tăng nguy cơ mất cân bằng nội tiết tố như tuyến cận giáp, testosterone, progesterone, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bé.
Để điều trị thiếu vitamin D cho trẻ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bổ sung chất dinh dưỡng này. Trẻ cần tránh thực phẩm cay và nhiều dầu mỡ, thay thế bằng món giàu dinh dưỡng như cá, dầu gan, trứng, bơ sữa, pho mát, nấm và rau giàu vitamin D (rau bina, cải xoăn, đậu bắp, cải xanh). Cha mẹ hạn chế thời gian trẻ em sử dụng thiết bị điện tử và khuyến khích trẻ chơi ngoài trời ít nhất một hoặc hai giờ mỗi ngày. Ánh sáng mặt trời cung cấp vitamin D tốt, do đó trẻ nên phơi nắng khoảng 30 phút mỗi ngày.