Tác dụng của laser trong thẩm mỹ da

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác dụng của laser trong thẩm mỹ da

Tác dụng của laser trong thẩm mỹ da
Trẻ hóa và tái tạo da, điều trị tăng sắc tố, xóa xăm, triệt lông là các tác dụng phổ biến của laser trong làm đẹp da.

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết laser có nhiều ứng dụng trong y học (da liễu, mắt, niệu, sản, ngoại tổng hợp...). Riêng lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ da, bác sĩ sử dụng tia laser với các bước sóng, mức năng lượng thích hợp, đưa tia laser vào từng lớp da (thượng bì, bì hạ bì) hoặc đến các tế bào trong da (tế bào hắc tố, tế bào mạch máu, sợi collagen...) để điều trị các bệnh có liên quan đến các tế bào này. Các công nghệ laser khác nhau có chức năng trị liệu cũng khác nhau.

Trẻ hóa

Tia laser giúp cải thiện các nếp nhăn da, điều trị các khuyết điểm trên da bằng cách hướng năng lượng vào lớp bì và hạ bì, làm nóng lớp da bên dưới, thúc đẩy sản sinh collagen, elastin mới. Từ đó kết cấu của da săn chắc hơn và giảm các nếp nhăn.

Tái tạo da

Chùm tia laser vi điểm (fractional) đi vào lớp thượng bì có tác dụng bốc bay nhiều điểm, loại bỏ các lớp da cũ, tái tạo bề mặt da hoặc đi vào lớp bì làm nóng vi điểm lớp da bên dưới, thúc đẩy quá trình lành thương và tăng sinh collagen.
Trong điều trị các vấn đề về da, laser có tác dụng giảm thâm mụn, sẹo, xóa nốt ruồi, mụn thịt, mụn cóc, nếp nhăn, tăng sắc tố (tàn nhang, nám, bớt bẩm sinh, đồi mồi, đốm nâu...) làm đều màu da. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp tẩy tế bào chết, tăng cường tuần hoàn nhằm nuôi dưỡng và trẻ hóa da. Kích thích tăng sinh collagen và elastin để da tăng độ đàn hồi, xóa nếp nhăn, chống lão hóa cũng có thể dùng laser.

Có hai kỹ thuật laser gồm laser xâm lấn (còn gọi là laser bốc bay da) và laser không xâm lấn. Laser không xâm lấn tác động vào mô đích của da mà không làm tổn thương da như laser xâm lấn.

Xóa xăm

Theo bác sĩ Bích, xóa xăm bằng laser là phương thức an toàn, hiệu quả cao, ít đau được các bác sĩ sử dụng phổ biến. Tia laser phát ra chùm năng lượng cao khiến hạt mực xăm vỡ thành những mảnh nhỏ li ti. Đại thực bào trong hệ miễn dịch của cơ thể sẽ đến thu dọn và loại mực ra khỏi cơ thể.

Mỗi màu mực khác nhau hấp thụ laser có bước sóng khác nhau. Mực màu đen, xanh đen đáp ứng tốt hơn với điều trị laser bước sóng 1064 nm. Những màu như vàng, đỏ, xanh lá cần phối hợp nhiều bước sóng laser mới có thể xóa hoàn toàn màu mực. Tùy vào kích thước hình xăm, màu mực và thành phần mực, độ sâu của mực trong da, cơ địa của người bệnh mà số lần chiếu tia khác nhau. Tuy nhiên, một số màu mực hoặc vết xăm không thể xóa mờ 100% dù đã xóa nhiều lần.

Các loại laser thường được dùng để xóa xăm là laser không xâm lấn. "Hiện công nghệ xóa xăm bằng laser pico giây được cải tiến tốt hơn tia laser cũ, ít đau, nhanh lành, không để lại sẹo", bác sĩ Bích nói.

Triệt lông

Bác sĩ Bích cho biết laser cùng với công nghệ IPL (xung ánh sáng cường độ cao) là hai phương pháp triệt lông vĩnh viễn được các chuyên gia đánh giá an toàn, hiệu quả hiện nay. Trong đó, công nghệ laser Nd:YAG với bước sóng dài được cho là có hiệu quả triệt lông tốt hơn vì có chế độ làm lạnh coolmist giảm cảm giác đau.
Triệt lông bằng laser dựa trên nguyên lý quang nhiệt chọn lọc ở bước sóng của máy laser. Các hắc sắc tố melanin trong nang lông hấp thu năng lượng mạnh và tỏa nhiệt, gây hủy tế bào sắc tố cùng tế bào mầm nang lông, làm nang lông yếu đi, làm lông mọc chậm, nếu mọc cũng ít, yếu, thưa mảnh hơn sau khi điều trị.

Triệt lông bằng laser được áp dụng ở hầu hết các vị trí như chân, nách, mặt, mép, cằm, vùng dưới cánh tay, vùng kín. Tia laser hoạt động hiệu quả hơn với lông màu đen hoặc nâu. Sợi lông màu tối chứa nhiều sắc tố melanin nên hấp thu được ánh sáng tốt, hiệu quả triệt lông cao hơn. Với lông tơ hoặc lông có màu sáng như đỏ hoặc vàng, tia laser khó nhận diện melanin để tiêu diệt chúng.

Điều trị tổn thương mạch máu

Các tổn thương mạch máu trên da điều trị được bằng laser là các loại u mạch máu, bớt rượu vang, hồ tĩnh mạch (nốt xanh hoặc tím lành tính trên môi), giãn mao mạch, tĩnh mạch mạng nhện...

Theo bác sĩ Bích, những laser thế hệ cũ thường gây ra tác dụng phụ giảm sắc tố da và sẹo. Công nghệ laser mới Nd:YAG bước sóng dài giúp tiếp cận chính xác và xuyên sâu xuống đến vùng điều trị, làm quang đông các mạch máu có kích thước trung bình, nhỏ. U mất nguồn máu nuôi sẽ thu nhỏ kích thước, giảm dần màu sắc. Loại laser này ít để lại thâm hoặc sẹo, ít biến chứng.

Bác sĩ Bích lưu ý mỗi ca bệnh có số lần điều trị laser khác nhau, tùy vào kích thước, vị trí. Điều trị u mạch máu lớn cần phải phối hợp nhiều phương pháp và thường phải chia nhỏ làm nhiều lần.

Bản đồ