Phẫu thuật '3 trong 1' cho người đàn ông vô sinh

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phẫu thuật '3 trong 1' cho người đàn ông vô sinh

Phẫu thuật '3 trong 1' cho người đàn ông vô sinh
TP HCMAnh Hoài, 30 tuổi, vô sinh 7 năm do tắc ống dẫn tinh, giãn tĩnh mạch tinh, được phẫu thuật "3 trong 1" điều trị bệnh kết hợp tìm tinh trùng để trữ đông.

Anh Hoài từng được chọc hút lấy tinh trùng từ mào tinh (phương pháp PESA) để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hai lần nhưng thất bại. 100% tinh trùng của anh bất động.

Đầu tháng 7, người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8, được ThS.BS.CKII Dương Quang Huy - Trưởng đơn vị Nam học, chẩn đoán không có tinh trùng do tắc nghẽn ống dẫn tinh. Anh còn bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, dẫn đến thất bại ở những lần IVF trước.

Bác sĩ chỉ định can thiệp "3 trong 1" gồm thông nối ống dẫn tinh, vi phẫu tìm tinh trùng và xử lý tình trạng giãn tĩnh mạch tinh. Việc mổ vi phẫu điều trị giãn tĩnh mạch tinh và tái tạo mạch máu giúp cải thiện môi trường tinh hoàn, từ đó có thể sản xuất tinh trùng khỏe mạnh, di động tốt hơn. Điều này tăng tỷ lệ thành công cho cả việc có con theo cả hai cách tự nhiên và IVF trong tương lai. Ngay cả không điều trị vô sinh, anh Hoài cũng cần phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh để bảo vệ chức năng tinh hoàn lâu dài.

"Mục tiêu là giải quyết tận gốc vấn đề tắc nghẽn tinh trùng, song phẫu thuật thông nối vẫn có thể thất bại hoặc tái phát tắc nghẽn dù thấp, nên cần trữ đông tinh trùng để bệnh nhân không mất cơ hội làm cha", bác sĩ Huy giải thích.

Dưới sự hỗ trợ của kính vi phẫu phóng đại 30 lần, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở vùng bẹn, tiếp cận bó mạch máu - thần kinh đi đến chi phối tinh hoàn (gọi là thừng tinh). Bác sĩ tìm các tĩnh mạch bị giãn và cột lại ngăn dòng máu trào ngược, giúp giảm nhiệt độ và cải thiện chức năng tinh hoàn.

Song song, bác sĩ tìm kiếm các ống mào tinh tiềm năng dẫn nguồn tinh trùng từ trong tinh hoàn, mở ra và lấy dịch mào tinh chuyển vào phòng Lab. Tại đây, chuyên viên phôi học kiểm tra mẫu dịch và soi dưới kính hiển vi, tìm đủ lượng tinh trùng cho hai chu kỳ IVF, sau đó trữ đông trong nitơ lỏng -196 độ C.

Cuối cùng, bác sĩ xác định vị trí bị tắc nghẽn, phần ống dẫn tinh bị tắc hoặc xơ hóa được cắt bỏ và khâu nối hai đầu lại với nhau để đảm bảo lòng ống thông suốt và mối nối kín, không bị rò rỉ. Sau hơn 130 phút, ca mổ thành công, anh Hoài được xuất viện sau một ngày. Việc thực hiện 3 kỹ thuật trong một cuộc mổ giải quyết được tất cả vấn đề của người bệnh, giảm chi phí, rút ngắn thời gian hồi phục, tối đa hóa cơ hội có con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản lẫn tự nhiên.


Vô tinh bế tắc có thể xảy ra ở nhiều vị trí và do nhiều nguyên nhân như bất sản ống dẫn tinh hai bên bẩm sinh, nhiễm trùng ở đường sinh dục hoặc bệnh lây qua đường tình dục (lậu, chlamydia). Ngoài ra những sang chấn từ phẫu thuật thắt ống dẫn tinh, thoát vị bẹn, chấn thương vùng bìu, u nang... cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Nam giới gặp tình trạng này có thể có con tự nhiên bằng cách phẫu thuật tái lập lưu thông đường dẫn tinh hoặc lấy tinh trùng trực tiếp và hỗ trợ sinh sản.

Giãn tĩnh mạch tinh là tình trạng giãn bất thường của các tĩnh mạch nằm trong thừng tinh (bó cấu trúc chứa ống dẫn tinh, mạch máu, thần kinh đi đến tinh hoàn). Bệnh thường diễn tiến âm thầm và chỉ được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe hoặc khám vô sinh. Nếu không được điều trị, nhiệt độ ở bìu tăng lên khoảng 1-2 độ C làm giảm số lượng và khả năng di động của tinh trùng, tăng tỷ lệ tinh trùng dị dạng. Bệnh còn làm tăng stress oxy hóa, về lâu dài, có thể gây suy giảm nội tiết tố nam, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và sức khỏe nam giới.

Bác sĩ khuyến cáo nam giới vô sinh do nhiều bệnh lý như anh Hoài nên điều trị tại các đơn vị hỗ trợ sinh sản kết hợp nam khoa. Nếu chỉ điều trị vô tinh bế tắc và chọc hút tinh trùng để IVF mà không xử lý bệnh lý giãn tĩnh mạch tinh đi kèm, tỷ lệ thất bại rất cao, việc can thiệp nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến tài chính và sức khỏe người bệnh.

Bản đồ