Nguồn lây cúm đến từ đâu?
Nguồn lây cúm mùa có thể từ người bệnh, người chưa có triệu chứng và gián tiếp thông qua tiếp xúc gần hoặc các vật dụng nhiễm virus.
Bác sĩ Nguyễn Như Điền, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết cúm mùa là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính gây ra bởi virus cúm (Influenza virus), chủ yếu do các chủng cúm A và B. Triệu chứng điển hình của bệnh là sốt cao kéo dài, ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ho nhiều, nhức cơ, mệt mỏi...
Cúm có thể dẫn đến biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim và tử vong. Bác sĩ Điền chỉ ra các đường lây thường gặp của cúm và cách phòng tránh hiệu quả như sau:
Người bệnh
Người khỏe mạnh có thể bị lây virus cúm khi tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện và làm phát tán các giọt bắn từ đường mũi họng chứa virus. Quá trình lây kéo dài khoảng 5-7 ngày. Thời gian lây lan bệnh mạnh nhất là 3-4 ngày đầu tiên nhiễm bệnh. Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ, do khả năng đào thải mầm bệnh kém hơn, thời gian lây truyền có thể lâu hơn.
Người chưa có triệu chứng
Thời gian ủ bệnh của cúm thường từ 1-4 ngày, trung bình khoảng hai ngày. Người bệnh có thể lây virus cúm trước khi khởi phát các triệu chứng một ngày. Mặt khác, ở một số người mắc cúm, triệu chứng không điển hình như đau họng, chảy nước mũi, dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường.
Mầm bệnh trong không khí
Người bệnh ho, hắt hơi có thể khiến giọt bắn chứa virus văng xa, phát tán trong không khí. Một thí nghiệm buồng ho cho thấy virus cúm có thể bắn ra 1,2 mét khi người bệnh ho và các giọt này vẫn lơ lửng trong không khí vài giây sau đó. Bề mặt tiếp xúc, dùng chung đồ vật
Virus cúm có thể bám trên các bề mặt cứng đến 48 giờ. Vì vậy việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn, bàn chải đánh răng, cốc uống nước, hoặc vô tình chạm vào bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn làm việc, máy tính, điện thoại... của người bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm virus cúm.
Những nơi có nguy cơ nhiễm cúm cao
Ở vùng khí hậu ôn đới, cúm thường hay gặp theo mùa, chủ yếu là mùa đông, còn vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, bệnh cúm diễn biến quanh năm. Bệnh cúm lây lan nhanh và mạnh ở môi trường tiếp xúc đông người, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch.
Theo WHO, hằng năm có khoảng 1 tỷ ca bệnh cúm, trong đó 3-5 triệu ca nặng, gây tử vong 290.000 - 650.000 người. Trường học, bệnh viện, các lễ hội thu hút đông người... là những nơi có thể lây nhiễm cúm cao do tiếp xúc gần, không đảm bảo khoảng cách.
Biện pháp phòng ngừa
Theo bác sĩ Điền, người dân nên chủ động phòng ngừa bệnh cúm bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, không dùng chung đồ vật với người khác, đeo khẩu trang khi đi đến nơi đông người, ăn chín uống sôi, đủ dinh dưỡng... Cùng với đó, mọi người nên tiêm vaccine ngừa cúm hằng năm để có đủ sức đề kháng với virus gây bệnh.
Việt Nam hiện có nhiều loại vaccine cúm dành cho trẻ em và người lớn. Trong đó, loại của Hàn Quốc, Pháp và Hà Lan tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, còn loại của Việt Nam tiêm cho người lớn từ 18 đến 60 tuổi.
Với trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi và chưa từng tiêm vaccine cúm trước đó, các bé cần tiêm hai mũi, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần, tiêm nhắc lại một mũi hằng năm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn tiêm một mũi, sau đó tiêm nhắc lại hằng năm. Việc này giúp cập nhật công thức vaccine phù hợp chủng cúm lưu hành hằng năm theo khuyến cáo của WHO và củng cố miễn dịch giảm dần theo thời gian từ lần tiêm trước.