Liệt dây thần kinh số 7 dễ nhầm lẫn đột quỵ

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Liệt dây thần kinh số 7 dễ nhầm lẫn đột quỵ

Liệt dây thần kinh số 7 dễ nhầm lẫn đột quỵ
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây méo miệng, mặt xệ, nói khó giống triệu chứng đột quỵ nên thường bị nhầm lẫn, xử trí sai cách.

ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết như trên, thêm rằng nhiều trường hợp đột quỵ nhưng tưởng liệt dây thần kinh số 7, tự điều trị bằng các biện pháp dân gian như châm cứu, bấm huyệt, xông hơi... Xử trí không đúng cách khiến bệnh nặng hơn và lỡ cơ hội điều trị trong "giờ vàng".

Dây thần kinh số 7 có chức năng chi phối vận động của khuôn mặt. Tình trạng liệt dễ xảy ra khi bị lạnh đột ngột, nhiễm virus cúm hay zona, viêm tai giữa, chấn thương vùng đầu mặt hoặc tổn thương trong não như khối u chèn ép. Biểu hiện thường gặp là nửa bên mặt đột ngột xệ xuống, miệng méo sang bên lành, không thể nhắm kín mắt bên bị liệt, khó thực hiện các cử động cơ mặt như nhăn trán, phồng má hay cười đều. Một số người bệnh có thể gặp khó khăn khi ăn uống do nước dãi chảy ra ngoài, thức ăn dễ rơi khỏi miệng.

Trong khi đó, đột quỵ là tình trạng cấp cứu y khoa khẩn cấp, xảy ra khi dòng máu lên não bị gián đoạn đột ngột do tắc nghẽn mạch máu (nhồi máu não) hoặc vỡ mạch máu (xuất huyết não), dẫn đến tổn thương tế bào não. Biểu hiện gồm méo miệng, liệt mặt giống tổn thương dây thần kinh số 7, nhưng thường đi kèm dấu hiệu nghiêm trọng hơn như yếu liệt tay chân một bên, nói khó, rối loạn thăng bằng, lú lẫn, đau đầu dữ dội hoặc mất ý thức.

Theo bác sĩ Vũ, cả hai tình trạng đều cần xử trí cấp cứu nhanh. Liệt dây thần kinh số 7 không ảnh hưởng tính mạng nhưng can thiệp trễ nguy cơ cao biến chứng co giật cơ mặt, mất cân đối khuôn mặt, viêm giác mạc. Người bệnh cần can thiệp trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng, cơ hội phục hồi hoàn toàn cao. Đối với đột quỵ, "thời gian vàng" cấp cứu là 3-4,5 giờ đầu với nhồi máu não và trước 6-8 giờ đầu với xuất huyết não. Cấp cứu càng sớm càng tốt, khả năng cứu chữa càng cao.
Người có các dấu hiệu bất thường như méo mặt, lệch miệng, khó nói... cần đến cơ sở y tế khám, chụp CT hoặc MRI não để xác định nguyên nhân và điều trị đúng bệnh. Nếu xác định là liệt dây thần kinh số 7, bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị tùy theo nguyên nhân và mức độ tổn thương. Thông thường, người bệnh được dùng thuốc kháng viêm trong 7-10 ngày để giảm viêm và phù nề dây thần kinh. Trường hợp nghi ngờ người bệnh nhiễm virus, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus, kết hợp bổ sung vitamin nhóm B giúp phục hồi chức năng dây thần kinh.

Trường hợp do bệnh lý, bác sĩ chỉ định phẫu thuật giải áp nếu dây thần kinh bị chèn ép nặng do khối u hoặc tổn thương cấu trúc xương. Người bệnh cần tập vật lý trị liệu với các bài tập cơ mặt (massage, nhăn trán, nháy mắt) kết hợp xung điện kích thích thần kinh, cải thiện lưu thông máu.

Nếu đột quỵ, tùy trường hợp, bác sĩ lựa chọn phương pháp phù hợp như dùng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch, nút tắc mạch máu hoặc phẫu thuật não. Điều trị chậm trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng như liệt nửa người, mất ngôn ngữ, sa sút trí tuệ, tử vong.

Để phòng tránh liệt dây thần kinh số 7, bác sĩ Vũ khuyến cáo giữ ấm vùng đầu mặt cổ khi trời lạnh, tránh tắm khuya, không để quạt hoặc điều hòa thổi trực tiếp vào mặt, giữ ấm cơ thể khi ra ngoài vào sáng sớm hoặc tối muộn. Mỗi người nên tăng đề kháng, tiêm ngừa vaccine các bệnh liên quan, tránh chấn thương vùng đầu. Khám sức khỏe định kỳ, kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, duy trì lối sống khoa học, ăn uống điều độ, vận động thường xuyên góp phần phòng đột quỵ.

Bản đồ