Gân vai vôi hóa do bê vác nặng

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gân vai vôi hóa do bê vác nặng

Gân vai vôi hóa do bê vác nặng
Hà NộiChị Hoa, 38 tuổi, đau mỏi vai dữ dội, cánh tay trái bất động, bác sĩ phát hiện viêm gân vai vôi hóa do công việc bê ống dẫn xăng mỗi ngày.

Chị Hoa là nhân viên công ty nhiên liệu, hằng ngày bê ống dẫn tiếp xăng dầu vào téc. Chị bị mỏi vai từ vài tháng trước, gần đây đau dữ dội phải nghỉ làm, đêm mất ngủ.

Ngày 5/11, BSCKI Nguyễn Thị Kim Loan, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết khớp vai trái chị Hoa có dịch, thoái hóa khớp nhẹ, vôi hóa gân cơ trên gai và dưới gai giai đoạn ba, đoạn vôi dài nhất khoảng 14 mm, xung quanh thâm nhiễm. Trong đó, viêm gân vôi hóa là nguyên nhân chính gây đau vai và tê liệt cánh tay.

"Chị Hoa không có bệnh nền, ở tuổi có biểu hiện của thoái hóa khớp, nhưng yếu tố chính gây ra tình trạng này là làm việc nặng trong thời gian dài", bác sĩ Loan nói, giải thích thêm cơ, khớp bị quá tải lặp lại dẫn đến các vết rách gân, còn thoái hóa khớp thường bắt đầu khoảng 35-50 tuổi. Cơ thể có thể tự sửa chữa các vi rách gân nhưng khi sự hình thành vi rách vượt quá khả năng tự lành sẽ xảy ra viêm. Điểm viêm gân bị lắng đọng tinh thể canxi hydroxyapatite, lâu ngày kích thích viêm nặng hơn các mô xung quanh, tạo ra quá trình vôi hóa. Nếu không điều trị, người bệnh có nguy cơ đứt gân, hoại tử khớp.

Chị Hoa được hút vôi qua da dưới hướng dẫn siêu âm. Bác sĩ gây tê tại chỗ, sau đó đưa kim vào vị trí vôi hóa, phá vôi, bơm rửa và hút hết vôi ra ngoài. Toàn bộ quá trình kéo dài khoảng 30 phút. Sau hút vôi và nghỉ ngơi tại chỗ, chị Hoa giảm đau, có thể dùng tay phải nâng tay trái lên cao 90 độ, sức khỏe ổn định, xuất viện ngay trong ngày.
Bác sĩ Loan cho biết viêm gân vôi hóa phổ biến nhất ở độ tuổi 30-60 tuổi, xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là vùng chóp xoay vai, sau đó đến khớp khuỷu, khớp háng, khớp gối, cổ tay... Nguyên nhân có thể do thoái hóa khớp, chấn thương, hoại tử vùng khớp hoặc các bệnh lý mạn tính. Người mắc bệnh chuyển hóa, đái tháo đường, suy thận có nguy cơ bị viêm gân vôi hóa cao hơn.

Ở thời kỳ đầu, dấu hiệu thường gặp là mỏi vai nhưng bệnh nhân hay chủ quan, chỉ đến khám khi bệnh phát triển đến giai đoạn cấp tính 3-4. Lúc này, người bệnh bị đau và hạn chế vận động nhiều nhất do cơ thể sinh ra các enzym để phá vỡ vôi.

Theo bác sĩ Loan, bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng bệnh nhân không nên để đau mỏi dài ngày, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Người bệnh giai đoạn đầu có thể được điều trị nội khoa kèm hướng dẫn các bài tập tăng cường sức mạnh cho gân, ngăn gân viêm nghiêm trọng hơn, tránh vôi hóa. Phương pháp hút vôi hóa qua da được chỉ định ở giai đoạn cấp tính, khi các điều trị nội khoa khó mang lại kết quả.

Để phòng ngừa viêm gân, bác sĩ Loan khuyên mọi người hạn chế những hoạt động làm gân bị căng thẳng quá mức, nhất là trong thời gian dài. Người làm việc nên duy trì tư thế đúng và có quãng nghỉ hợp lý tránh gây căng thẳng cho gân, khớp. Hạn chế đeo túi xách vai quá nặng, không bưng bê quá sức. Cần khởi động kỹ càng, tập luyện thể thao đúng cách. Không nên nghiêng một bên quá lâu mà linh hoạt thay đổi tư thế khi ngủ.

Bản đồ