Chữa 'buồn miệng' bằng ly trà sữa 500 calo

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chữa 'buồn miệng' bằng ly trà sữa 500 calo

Chữa 'buồn miệng' bằng ly trà sữa 500 calo
Những buổi họp kéo dài, deadline dồn dập khiến Ngân, 26 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP HCM, tìm đến trà sữa để giải tỏa căng thẳng và chống lại cảm giác "buồn miệng".

Trong ba năm đi làm, cô duy trì thói quen uống ít nhất 3-4 ly trà sữa mỗi tuần, thường chọn cỡ lớn, nhiều trân châu và lượng đường tối đa, coi đó như một "liều thuốc" tinh thần sau giờ làm. Gần đây, cô tăng cân không kiểm soát, thường xuyên mệt mỏi và khát nước.

Kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Y dược TP HCM cho thấy chỉ số đường huyết ở mức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Các bác sĩ cảnh báo rằng lượng đường fructose quá cao trong trà sữa, kết hợp với lối sống ít vận động, là nguyên nhân.

"Tôi thực sự sốc khi biết mình có nguy cơ tiểu đường, chỉ vì thói quen uống trà sữa mà tôi nghĩ là vô hại", Ngân nói.

Tương tự, Mai, nhân viên ngân hàng tại Tây Ninh, từng tự hào với vóc dáng cân đối, nhưng chỉ sau ba năm "nghiện" trà sữa, cô tăng 12 kg và được chẩn đoán béo phì. Áp lực công việc khiến Mai thường xuyên cảm thấy "buồn miệng" vào cuối giờ chiều. Cô tìm niềm vui trong những ly trà sữa cỡ lớn, thường gọi thêm trân châu mật ong và kem cheese để "thưởng thức trọn vẹn".

Khi quần áo không còn vừa vặn và tình trạng mệt mỏi kéo dài, huyết áp tăng cao, Mai mới tìm đến bệnh viện. Cô được kết luận béo phì cấp độ hai và buộc phải thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường luyện tập. "Tôi không ngờ chỉ vài ly trà sữa mỗi tuần lại khiến mình ra nông nỗi này", Mai bộc bạch.

Hiện tại, cô đã bắt đầu ăn nhiều rau xanh, hạn chế cơm và giảm tần suất uống trà sữa xuống còn 2-3 lần mỗi tuần, dù tính toán cho thấy lượng đường nạp vào cơ thể vẫn vượt quá mức cho phép.
Tình trạng "nghiện" trà sữa dẫn đến các vấn đề sức khỏe như Ngân và Mai không phải là hiếm. Dù chưa có thống kê chính thức về số lượng người gặp biến chứng do trà sữa, nhưng tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thường xuyên khám và điều trị cho những người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu và béo phì. Ông cho biết nguyên nhân chủ yếu là thói quen tiêu thụ thức ăn nhanh, trong đó có trà sữa.

"Có những cháu mới 9 tuổi đã bị mỡ máu, mới 11-12 tuổi mà cân nặng đã lên đến 90-100 kg, tất cả đều vì uống trà sữa thường xuyên", ông Hưng nói.
Đặc biệt, nhiều bạn trẻ tâm sự thèm trà sữa khi "buồn miệng". Đây không phải là tình trạng đói bụng sinh lý mà thường xuất phát từ nhu cầu về mặt cảm xúc hoặc thói quen. "Khi nói 'buồn miệng', con người thường cảm thấy muốn ăn hoặc nhâm nhi một thứ gì đó, dù cơ thể không thực sự cần năng lượng, chỉ để giải khuây, bận rộn hoặc làm dịu cảm giác nhàm chán, căng thẳng", bác sĩ Phan Thái Tân, HLV dinh dưỡng, nhận định.

Trà sữa xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2002, nhanh chóng trở thành thức uống được giới trẻ ưa chuộng, dù từng có thời gian gần như biến mất do những lo ngại về nguồn gốc nguyên liệu và an toàn chế biến. Đến năm 2013, thức uống này hồi sinh mạnh mẽ nhờ sự xuất hiện của các thương hiệu từ Hong Kong và Đài Loan.

Theo báo cáo năm 2022 của Momentum Works và qlub, người tiêu dùng Đông Nam Á chi 3,66 tỷ USD mỗi năm cho trà sữa. Trong đó, Việt Nam đứng thứ ba khu vực với quy mô thị trường đạt 8.500 tỷ đồng, và trà sữa là món đồ uống được ưa chuộng thứ hai (23%), chỉ sau cà phê. Đối tượng chính mua trà sữa là nữ giới, trong độ tuổi từ 15-22 (chiếm 35%).

Thạc sĩ dinh dưỡng Trương Nhật Khuê Tường, Đại học Y Dược TP HCM, giải thích một ly trà sữa thông thường bao gồm trà, sữa, trân châu, thạch, bánh flan và đường, cung cấp một lượng lớn năng lượng cho cơ thể. Chẳng hạn, một ly trà sữa khoảng 500 ml có thể chứa từ 300-500 kcal, tương đương với một tô phở.

Bà Tường cũng cảnh báo rằng nhiều loại trà sữa sử dụng bột màu và hương liệu nhân tạo không rõ liều lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương gan và thận. Chất béo trong kem hay bột béo của trà sữa thường là chất béo chuyển hóa (trans fat), làm tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Caffeine trong trà sữa cũng có thể gây khó ngủ nếu uống vào buổi tối. Đặc biệt, trà sữa ẩn chứa nguy cơ cao gây béo phì và tiểu đường, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản ở nam giới.

"Nhiều người một ngày uống 2 đến 3 ly trà sữa là quá nhiều", bà Tường nhận định.

Bác sĩ Tân bổ sung thêm rằng việc uống trà sữa thường xuyên, kéo dài còn dễ làm tăng mỡ nội tạng, mỡ gan, tăng đề kháng insulin dẫn đến tiền tiểu đường, rối loạn mỡ máu và gan nhiễm mỡ.

Một ly trà sữa có thể cung cấp lượng calo tương đương hoặc thậm chí hơn một bữa ăn chính nếu có nhiều topping, nhưng lại không gây cảm giác no thực sự vì đây là đường lỏng.

Khác với calo từ thực phẩm nguyên chất, calo từ đường lỏng không kích hoạt tốt các hormone báo no như leptin hay peptide YY. Do đó, dù nạp cả ngàn kcal từ trà sữa, cơ thể vẫn nhanh chóng thèm ăn thêm.

"Đây chính là cái bẫy khiến nhiều bạn trẻ vừa uống trà sữa xong vẫn đi ăn lẩu, ăn buffet tiếp như chưa có gì vào bụng", ông Tân chỉ ra.

Ngoài ra, vị ngọt đậm và chất béo công nghiệp trong trà sữa là "công thức vàng" kích thích sản sinh dopamine trong não bộ, tạo cảm giác sung sướng và dễ chịu tức thì. Não bộ ghi nhận trải nghiệm "hạnh phúc nhanh chóng" này, hình thành thói quen thèm lặp lại - một dạng "nghiện đường" (sugar addiction) có cơ chế gần giống như nghiện nicotine hay cồn.

Càng uống nhiều, ngưỡng dopamine kích hoạt càng cao, khiến cơ thể cần vị ngọt và béo hơn, làm vị giác ngày càng lệch xa chuẩn tự nhiên và ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột.

Đường đơn thừa thãi là nguồn thức ăn yêu thích của các vi khuẩn xấu trong ruột, như Firmicutes - nhóm vi khuẩn có liên quan đến béo phì. Điều này gây mất cân bằng vi sinh vật đường ruột (dysbiosis) và giảm các vi khuẩn có lợi như Bifidobacteria, Lactobacillus, kéo theo rối loạn miễn dịch, tiêu hóa và tăng viêm mãn tính nền.

Nghiêm trọng hơn, nếu lớp niêm mạc ruột bị tổn thương, độc tố vi khuẩn có thể rò rỉ vào máu, kích hoạt phản ứng viêm toàn thân. Đường huyết dao động mạnh liên tục làm tăng sản sinh cytokine gây viêm. Các sản phẩm glycat hóa bền vững (AGEs), hình thành khi đường gắn với protein, thúc đẩy quá trình lão hóa sớm, gây hỏng mạch máu và tổn thương gan thận.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu muốn uống trà sữa mà không ảnh hưởng đến sức khỏe thì nên hạn chế dần số lượng uống trong một tuần. Mỗi lần uống cần giảm lượng đường, sữa và thay đổi thể tích ly, chọn size vừa và nhỏ. Nên chọn mua trà sữa có nguồn gốc uy tín, kiểm định rõ ràng. Ngoài ra, tích cực hoạt động thể chất như tập thể dục, chạy bộ... để kiểm soát cân nặng, tăng cường trao đổi chất và hệ miễn dịch.

Bạn có thể tự nấu trà sữa tại nhà bằng cách mua trà và sữa tươi trộn với sữa đặc, tự pha chế, sử dụng thêm dừa non cắt nhỏ, trái cây, hạt chia... ăn kèm.

Ngân sau một thời gian vật vã vì cơn thèm cũng đã biết cách lấy lại cân bằng. Cô tự pha trà uống theo công thức được khuyên, sau ba tháng thì bỏ hẳn, nhờ đó đường huyết được kiểm soát ổn định.

Còn Mai, nhờ luyện tập thể thao và ăn uống khoa học, đã quay về vóc dáng ban đầu, các chỉ số sức khỏe cải thiện. Lâu lâu, cô vẫn uống trà sữa, nhưng đã "cắt được cơn nghiện". Mai luôn nhắc quán cho lượng đường vừa phải, đồng thời tập gym để đốt lượng calo nạp vào cơ thể sau uống.

Bản đồ