Các vụ bê bối thuốc giảm đau gây rúng động

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các vụ bê bối thuốc giảm đau gây rúng động

Các vụ bê bối thuốc giảm đau gây rúng động
Từ làm giả, tiếp thị sai lệch đến gian lận nghiên cứu, các vụ bê bối liên quan thuốc giảm đau đã gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, pháp lý, lòng tin vào ngành y tế.

Thuốc giảm đau, đặc biệt là các loại opioid và NSAID, được coi là một trong những phát minh y học quan trọng giúp kiểm soát cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tuy nhiên, nhiều vụ bê bối liên quan đến việc phát triển, tiếp thị và sử dụng thuốc này đã cho thấy mặt tối của ngành dược phẩm.

Purdue Pharma và OxyContin - tâm chấn của cuộc khủng hoảng opioid Mỹ

Purdue Pharma, công ty dược do gia đình Sackler sở hữu, đã giới thiệu thuốc giảm đau OxyContin vào năm 1996. OxyContin là một dạng opioid với khả năng kiểm soát cơn đau mạnh mẽ, được quảng bá là ít gây nghiện nhờ công nghệ giải phóng chậm. Tuy nhiên, Purdue bị cáo buộc đã tiếp thị thuốc với thông tin thiếu chính xác, làm giảm nhẹ nguy cơ gây nghiện và thúc đẩy bác sĩ kê đơn quá mức.

Hệ quả là một cuộc khủng hoảng opioid lan rộng tại Mỹ, với hơn 700.000 ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều từ năm 1999 đến 2022, trong đó phần lớn liên quan đến opioid.

OxyContin, do đặc tính gây nghiện mạnh khi sử dụng lâu dài hoặc không đúng chỉ định, đã khiến hàng triệu người Mỹ rơi vào tình trạng lệ thuộc thuốc, dẫn đến mất khả năng lao động, tan vỡ gia đình và gia tăng tội phạm liên quan đến ma túy. Năm 2007, Purdue và ba giám đốc điều hành đã thừa nhận tội danh liên bang và nộp phạt tổng cộng hơn 600 triệu USD. Tuy nhiên, hệ lụy tiếp tục kéo dài trong nhiều năm.

Đến tháng 1/2025, Purdue Pharma và gia đình Sackler đồng ý dàn xếp khoản tiền 7,4 tỷ USD nhằm giải quyết hàng nghìn vụ kiện dân sự từ các bang, thành phố và cá nhân liên quan đến vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng opioid.

Johnson & Johnson và các thành phần gây nghiện

Không chỉ các nhà sản xuất thuốc, những công ty cung ứng thành phần dược cũng bị đưa ra ánh sáng. Johnson & Johnson, tập đoàn dược phẩm và tiêu dùng hàng đầu thế giới, bị cáo buộc đã sản xuất và tiếp thị các nguyên liệu để điều chế thuốc opioid với thông tin thiếu chính xác, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có tính gây nghiện cao.

Hệ quả y tế của việc sử dụng opioid do Johnson & Johnson cung cấp gồm phụ thuộc thuốc nghiêm trọng, các vấn đề về hô hấp, rối loạn chức năng nhận thức, trầm cảm và nguy cơ tử vong cao khi sử dụng quá liều. Những ảnh hưởng này đặc biệt trầm trọng ở nhóm người sử dụng lâu dài hoặc kết hợp với các chất gây ức chế thần kinh khác.

Năm 2019, tòa án bang Oklahoma phán quyết Johnson & Johnson phải trả 572 triệu USD vì vai trò trong cuộc khủng hoảng opioid tại bang này. Đây là phán quyết đầu tiên tại Mỹ chống lại một công ty dược vì đại dịch opioid. Năm 2022, Johnson & Johnson tiếp tục đồng ý trả 5 tỷ USD trong một thỏa thuận dàn xếp toàn quốc cùng với ba công ty phân phối lớn là McKesson, AmerisourceBergen và Cardinal Health.
Lidoderm và chiến lược tiếp thị sai lệch của Endo Pharmaceuticals

Không chỉ có opioid, các thuốc giảm đau không chứa opioid cũng dính nhiều bê bối tiếp thị. Lidoderm, một miếng dán chứa lidocaine do Endo Pharmaceuticals sản xuất, ban đầu được FDA phê duyệt để điều trị đau dây thần kinh hậu zona. Tuy nhiên, công ty bị cáo buộc đã tiếp thị sản phẩm cho các chỉ định chưa được chấp thuận như đau lưng, đau thần kinh không rõ nguyên nhân.

Việc sử dụng Lidoderm không đúng chỉ định có thể khiến người bệnh gặp các tác dụng phụ như kích ứng da, phản ứng dị ứng, chóng mặt và nhức đầu. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, hấp thu lidocaine quá mức qua da có thể gây rối loạn nhịp tim hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương. Điều này càng nguy hiểm hơn nếu người bệnh sử dụng trong thời gian dài mà không có sự theo dõi sát sao của bác sĩ. Việc lạm dụng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt ở những người có bệnh nền hoặc đang dùng thuốc khác.

Các chiến dịch tiếp thị sai lệch này khiến Medicare và các chương trình bảo hiểm y tế chi trả cho những trường hợp không đúng chỉ định, làm tổn thất ngân sách công và đặt người bệnh vào rủi ro không cần thiết. Năm 2014, Endo đồng ý trả 171,9 triệu USD để giải quyết các cáo buộc liên bang về tiếp thị sai lệch.

Khi nhà nghiên cứu làm giả dữ liệu thuốc giảm đau

Một trong những bê bối đáng chú ý nhất đến từ lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng. Tiến sĩ Scott Reuben, bác sĩ gây mê nổi tiếng từng là người tiên phong trong việc kết hợp thuốc giảm đau phi opioid với NSAID để kiểm soát cơn đau hậu phẫu. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến 2009, ông đã bị phát hiện làm giả dữ liệu trong hơn 20 nghiên cứu đăng trên các tạp chí y khoa uy tín.

Các nghiên cứu bị làm giả liên quan đến các thuốc như Celebrex (Pfizer), Vioxx (Merck) và Bextra, thường được viện dẫn để chứng minh tính hiệu quả và an toàn của thuốc trong điều trị đau sau phẫu thuật. Vụ bê bối này đặt ra nghi vấn lớn về quy trình duyệt đăng bài nghiên cứu và tính minh bạch của dữ liệu lâm sàng.

Năm 2010, Scott Reuben nhận tội gian lận y tế và bị kết án 6 tháng tù giam, đồng thời phải bồi thường hơn 300.000 USD cho các cơ quan liên bang vì nhận ngân sách nghiên cứu sai mục đích.

Tại Việt Nam, hồi đầu tháng 4, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn nhất tỉnh. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế cho hay kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu cho thấy nhóm thuốc đông y giả (chủ yếu được quảng cáo dùng chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, không có công dụng và thành phần chữa bệnh như giới thiệu trên bao bì.

"Giới chuyên môn đánh giá khi sử dụng các loại thuốc chữa bệnh có chứa thành phần giảm đau, người bệnh sẽ cảm thấy hết đau tức thời, khiến tiếp tục tin dùng sản phẩm", điều tra viên nói.

Theo các bác sĩ, nhóm thuốc điều trị xương khớp, vốn được tiêu thụ rất phổ biến trong cộng đồng người cao tuổi tại Việt Nam, khi làm giả thường hay trộn corticoid liều cao để nhanh giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên, điều này sẽ gây biến chứng ở người lớn tuổi như suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim.

Bản đồ