Yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng
Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, nhiễm virus HPV... có thể gây đột biến ADN, làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
Ung thư vòm họng là loại ung thư ở vùng đầu cổ, xảy ra khi các tế bào lót vùng vòm họng (vùng cấu trúc giải phẫu nằm ở phía sau mũi) phát triển bất thường ngoài tầm kiểm soát. Bệnh ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng; còn ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể xuất hiện một khối ở vùng cổ do hạch di căn phì đại.
Theo Globocan năm 2022, tại Việt Nam, ung thư vòm họng xếp trong nhóm 9 ung thư thường gặp nhất ở cả hai giới, đứng hàng thứ 8 trong các nguyên nhân tử vong do ung thư. Nam giới thường có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, Đơn vị Ung Bướu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, chỉ ra một số yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh.
Hút thuốc lá và uống rượu bia: Thuốc lá chứa nhiều loại hóa chất độc hại như formaldehyde, thạch tín, chất phóng xạ, hydro xyanua, benzen. Các chất này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, đột biến ADN. Từ đó gây ra các bệnh ung thư, trong đó có ung thư vòm họng. Uống nhiều bia rượu trong thời gian dài làm cơ thể tích tụ một lượng độc chất, tăng nguy cơ mắc ung thư ở vùng đầu cổ như ung thư vòm họng.
Môi trường bị ô nhiễm: Những người làm công việc phải tiếp xúc nhiều với hóa chất, sơn, bụi gỗ, dễ mắc bệnh hơn người bình thường. Nên tầm soát ung thư trong những đợt khám sức khỏe định kỳ.
Nhiễm virus Epstein Barr (EBV): EBV vào cơ thể có thể làm biến đổi cấu trúc gene, khiến các tế bào lành phát triển thành tế bào ung thư. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào nhiễm virus này cũng sẽ bị ung thư vòm họng, theo bác sĩ Thanh.
Nhiễm virus Human Papilloma Virus (HPV): Nhóm HPV có nhiều loại virus, lây lan chủ yếu qua quan hệ tình dục bằng đường sinh dục, hậu môn và miệng. Trong đó, một số loại có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư, nhất là ung thư vòm họng.
Ung thư vòm họng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khả năng khỏi bệnh thường khá cao. Duy trì thói quen sống lành mạnh, hạn chế sử dụng chất kích thích hay tiếp xúc các chất có hại, góp phần giúp phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng.