Xuất huyết do tương tác thuốc chống đông
Hà NộiBà Hiền, 80 tuổi, chảy máu mũi, bầm tím da, đứt tay khó cầm, bác sĩ chẩn đoán do thuốc chống đông tương tác với các thuốc khác, thực phẩm làm tăng tác dụng.
Bà Hiền từng được thay van tim cơ học, mắc bệnh rung nhĩ nên điều trị bằng thuốc chống đông kháng vitamin K. Loại thuốc này ức chế tổng hợp yếu tố gây đông máu, giảm nguy cơ hình thành huyết khối, ngăn biến chứng cục máu đông.
Kết quả xét nghiệm INR tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (đánh giá mức độ, thời gian đông máu) hơn 5, trong khi bình thường khoảng 2-3.
Ngày 21/1, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bà Hiền bị quá liều thuốc chống đông không phải do uống nhiều thuốc hơn chỉ định mà sử dụng nhiều đồ uống chứa caffeine (cà phê, trà đen, trà xanh), đồ uống có cồn, thực phẩm có vị chua... làm tăng tác dụng của thuốc, gây loãng máu. Bà Hiền còn uống một số thuốc điều trị bệnh tim mạch, thuốc kháng sinh, thuốc nam cũng gây tương tác và phản ứng không tốt.
Sau khi nhập viện, bà được chỉ định dừng thuốc chống đông. Sau hai ngày, chỉ số INR đạt mức 1,83, bà được xuất viện. Tái khám ba ngày sau, xét nghiệm INR đạt ngưỡng tốt, người bệnh khám định kỳ theo chỉ định.
Theo phó giáo sư Yến, liều dùng thuốc chống đông kháng vitamin K dựa vào tình trạng bệnh lý, cơ địa. Liều dùng ban đầu thường thấp để giảm gây ra các biến chứng xuất huyết. Chỉ số INR ở người đã được thay van tim cơ học cần đạt khoảng 2.5-3.5, người bệnh rung nhĩ là 2-2.5. Các trường hợp khác INR duy trì ở mức 2-3 là phù hợp.
Phó giáo sư Yến cho hay thuốc chống đông kháng vitamin K khởi đầu thường tác dụng chậm, cách theo dõi điều trị phức tạp. Người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi sát sao và điều chỉnh lượng phù hợp. Người có dấu hiệu như chảy máu mũi, chảy máu lợi khi đánh răng, xuất hiện bầm tím trên da không rõ nguyên nhân, kinh nguyệt kéo dài, nôn, ho ra máu khi dùng thuốc cần đi khám.