Virus đang lây lan ở Trung Quốc nguy hiểm thế nào

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Virus đang lây lan ở Trung Quốc nguy hiểm thế nào

Virus đang lây lan ở Trung Quốc nguy hiểm thế nào
Virus HMPV gây bệnh hô hấp, thường vào mùa đông và đầu xuân, ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người suy yếu miễn dịch.

Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm virus HMPV gia tăng, dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện. Đợt bùng phát xảy ra 5 năm sau khi thế giới lần đầu phát hiện Covid-19, khiến nhiều người lo lắng viễn cảnh về đại dịch khác. Tuy nhiên, mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ning, cho biết đây là bệnh thường quy, thường đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm.

HMPV là gì?

Metapneumovirus (Human Metapneumovirus - HMPV) là dạng virus đường hô hấp phổ biến, thuộc họ pneumoviridae – cùng nhóm với virus hợp bào hô hấp (RSV).

HMPV thường gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh thông thường, tập trung ở đường hô hấp trên. Đôi khi, nó có thể xâm nhập vào đường hô hấp dưới, gây viêm phổi, làm hen suyễn hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trở nặng. HMPV phổ biến hơn vào mùa đông và đầu xuân.

Các nhà khoa học Hà Lan phát hiện ra HMPV cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy nó là nguồn gốc của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên toàn thế giới trong hơn 50 năm qua.

Các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 10% đến 12% bệnh hô hấp ở trẻ em là do HMPV. Hầu hết trường hợp đều nhẹ, nhưng khoảng 5% đến 16% trẻ em sẽ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi.

Dù có nét tương đồng, HMPV không giống virus hợp bào hô hấp (RSV). Cả hai đều thuộc cùng chi Pneumovirus và có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Độ tuổi dễ bị bệnh nặng do HMPV nhất là từ 6 đến 12 tháng. Trong khi đó, RSV dễ gây bệnh nặng hơn ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng.
Triệu chứng và đường lây nhiễm

Các triệu chứng của HMPV bao gồm: ho, sốt, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, khó thở, thở khò khè, phát ban.

HMPV lây lan qua không khí cũng như tiếp xúc gần, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Virus vẫn hoạt động trên bề mặt của các vật thể ở nhiệt độ phòng, do đó việc chạm vào vật thể đó cũng khiến mọi người mắc bệnh.

Nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là người dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ sinh non), người trên 65 tuổi và người bị suy yếu miễn dịch (do mắc HIV, ung thư hoặc bệnh tự miễn).

Đôi khi HMPV gây ra các biến chứng nghiêm trọng và có thể cần phải nhập viện. Các biến chứng bao gồm: viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, bùng phát cơn hen suyễn hoặc COPD, nhiễm trùng tai.

Chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ chẩn đoán HMPV dựa trên các triệu chứng và tiền sử sức khỏe. Người bệnh có thể được chỉ định lấy mẫu từ mũi. Đôi khi, bác sĩ cũng thực hiện nội soi phế quản hoặc chụp X-quang ngực để tìm kiếm điểm bất thường ở phổi.

Hiện không có thuốc kháng virus điều trị HMPV. Mọi người có thể tự điều trị theo triệu chứng tại nhà cho đến khi cảm thấy khỏe hơn.

Nếu có các triệu chứng nặng, người bệnh có thể cần nhập viện. Tại đây, họ được theo dõi chuyên sâu và ngăn ngừa bệnh trở nặng. Các biện pháp điều trị ở giai đoạn này gồm liệu pháp oxy (nếu bệnh nhân khó thở); truyền dịch tĩnh mạch; corticosteroid (steroid giảm viêm và làm giảm một số triệu chứng).

Kháng sinh chỉ điều trị vi khuẩn. Vì HMPV là virus nên kháng sinh không có tác dụng. Đôi khi, các bệnh nhân viêm phổi do HMPV cũng bị nhiễm khuẩn, gọi là nhiễm trùng thứ phát. Lúc này, bác sĩ mới kê đơn kháng sinh.

Ngăn ngừa

Phương pháp đơn giản để giảm nguy cơ nhiễm HMPV là rửa tay bằng xà phòng, nước hoặc các loại dung dịch rửa tay khô có cồn. Mọi người nên che mũi và miệng bằng khuỷu tay khi hắt hơi, ho.

Nếu phát hiện bản thân có các triệu chứng tương tự cúm, bạn có thể đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người khác.

Các trường hợp HMPV nhẹ thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Nếu chuyển nặng, người bệnh có thể mất thêm thời gian để hồi phục.

Người nhiễm HMPV vẫn có thể điều trị tại nhà bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc thông mũi, giảm ho. Tuy nhiên, không cho trẻ em dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa.

Bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện nếu có các triệu chứng: sốt cao (trên 40 độ C); khó thở; da, môi hoặc móng tay tím tái.

Bản đồ