Viêm dây thần kinh có nguy hiểm không?

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Viêm dây thần kinh có nguy hiểm không?

Viêm dây thần kinh có nguy hiểm không?
Bà tôi 70 tuổi, bị tê tay chân, đi khám phát hiện viêm đa rễ và dây thần kinh. Bệnh này có nguy hiểm không, điều trị thế nào? (Thu Hương, Đồng Nai)

Trả lời:

Viêm đa rễ và dây thần kinh là tình trạng tổn thương nhiều dây thần kinh ở các ngọn chi, thường xảy ra đối xứng hai bên. Triệu chứng thường gặp gồm tê bì, dị cảm và yếu cơ. Tình trạng yếu cơ có thể gia tăng và lan rộng ra các khu vực khác trên cơ thể.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến hầu hết các dây thần kinh có bao myelin như các dây thần kinh vận động, cảm giác, sọ não, giao cảm. Mức độ nguy hiểm tùy thuốc vào thời gian diễn tiến, cơ địa và bệnh nền mà người bệnh đang gặp phải.

Trong đó, viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính (hội chứng Guillain Barré) là bệnh lý cấp cứu thần kinh, liên quan đến sự phá hủy myelin cấp tính và có thể ảnh hưởng đến sợi trục. Myelin là phần bao quanh các sợi dây thần kinh, giúp tốc độ dẫn truyền nhanh hơn so với các dây thần kinh không có bao myelin. Mất myelin khiến các dây thần kinh bị tổn thương, dễ đứt gãy, cản trở sự lan truyền của điện thế hoạt động.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, triệu chứng viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính có thể diễn tiến nặng, đe dọa tính mạng do suy dinh dưỡng, suy hô hấp, tăng hoặc hạ huyết áp, bí tiểu, rối loạn nhịp tim... Bệnh kéo dài và tái phát nhiều lần dẫn đến viêm đa rễ và dây thần kinh mạn tính. Tần suất xảy ra, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và nguy cơ biến chứng tăng sau mỗi lần tái phát.

Bệnh có thể xảy ra sau một bệnh lý nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn (nhiễm trùng hô hấp, cúm, viêm gan B hoặc C, nhiễm trùng đường ruột), sau phẫu thuật, chấn thương hoặc ghép tủy. Các bệnh lý toàn thân như u Lympho Hodgkin, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, cũng có thể liên quan viêm rễ và dây thần kinh. Một số trường hợp phát sinh bệnh do sử dụng thuốc không phù hợp hoặc không rõ nguyên nhân.
Bạn nên đưa bà đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh chính xác nguyên nhân. Bác sĩ cần kết hợp kiểm tra bệnh sử (người bệnh và gia đình), khám lâm sàng, chỉ định cận lâm sàng như xét nghiệm máu và nước tiểu, đo điện cơ, xét nghiệm dịch não tủy, sinh thiết da hoặc dây thần kinh, chụp CT hoặc MRI...

Tùy tình trạng bệnh của bà bạn, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp khác nhau như thay huyết tương, immunoglobulin miễn dịch, thuốc ức chế miễn dịch, điều trị triệu chứng và điều trị nâng đỡ, kết hợp tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Cách bảo vệ hệ thống dây thần kinh là kiểm soát tốt bệnh nền, khám sức khỏe định kỳ, ăn uống khoa học. Thường xuyên tập thể dục thể thao, tránh lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc các hóa chất độc hại hoặc môi trường ô nhiễm. Người có các biểu hiện bất thường như tê bì, yếu các chi lan dần và ngày càng tăng, cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được kiểm tra, chẩn đoán.

Bản đồ