Ung thư vú dẫn đầu các bệnh ung thư ở Việt Nam

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ung thư vú dẫn đầu các bệnh ung thư ở Việt Nam

Ung thư vú dẫn đầu các bệnh ung thư ở Việt Nam
Với gần 25.000 trường hợp mới phát hiện, ung thư vú vượt qua ung thư gan, dẫn đầu về số ca mắc mới tại Việt Nam, theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN).

"Số ca mắc ung thư vú đang gia tăng đáng kể và ngày càng trẻ hóa, phát hiện trễ", BS.CK1 Phạm Cao Thành, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, nói tại hội thảo về bệnh này, ngày 28/3. Trước đây, ung thư vú xếp thứ nhất về số ca mắc mới ở nữ giới, nếu tính chung cả hai giới thường đứng sau ung thư gan hoặc phổi.

Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm gần 29% tổng số ca ung thư ở nữ giới, tức gần 3 phụ nữ mắc ung thư thì có một ung thư vú. Bệnh xuất phát từ sự biến đổi của tế bào tuyến vú, tạo thành khối u có thể xâm lấn tại chỗ và di căn đến các cơ quan khác, với các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, di truyền, tiền sử bệnh và lối sống.

Theo bác sĩ Thành, ung thư vú có tỷ lệ sống còn cao, lên đến hơn 90% nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị phức tạp hơn. Mới đây, bác sĩ tiếp nhận cô gái 28 tuổi, phát hiện bệnh ở giai đoạn 3, khối u xâm lấn ngoài da, phải trải qua nhiều giai đoạn điều trị. Đầu tiên, bệnh nhân được hóa trị tân bổ trợ giúp khối u nhỏ lại, sau đó phẫu thuật rồi tiếp tục hóa trị, xạ trị và đang duy trì dùng thuốc nội tiết.

Ung thư vú giai đoạn sớm dấu hiệu không rõ ràng, chủ yếu phát hiện qua tầm soát. Giai đoạn hơi muộn hơn, bệnh thường biểu hiện với khối cứng không đau, không di động ở vùng ngực, tiết dịch bất thường ở núm vú. Một số yếu tố nguy cơ ung thư vú là người trên 50 tuổi, gia đình có người mắc ung thư vú, hút thuốc lá và uống rượu bia, thừa cân béo phì, tiếp xúc với bức xạ, sử dụng liệu pháp thay thế hormone...

Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ trung bình (không mang đột biến gene nguy cơ ung thư vú, chưa từng xạ trị vùng ngực, chưa từng mắc ung thư vú) nên tầm soát mỗi năm 1-2 lần. Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh tầm soát hai năm một lần. Người thuộc nhóm nguy cơ cao như gia đình có người thân mắc bệnh, có đột biến gene... cần tầm soát sớm hơn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hiện, tầm soát ung thư được thực hiện bằng các phương pháp như khám lâm sàng, siêu âm màu tuyến vú, chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú) hoặc MRI với thuốc cản từ thế hệ mới, giúp sàng lọc và đánh giá chính xác những tổn thương ở tuyến vú. Bên cạnh đó, bác sĩ còn sử dụng phương pháp sinh thiết khối u để có chẩn đoán mô học, sinh thiết vú có hỗ trợ chân không...
Theo BS.CK2 Trần Thị Yến Uyên, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, điều trị ung thư ngày nay được thực hiện theo phương thức cá thể hóa bệnh nhân, đa mô thức trên từng trường hợp cụ thể. Trước khi tiến hành điều trị các trường hợp có chỉ định đoạn nhũ, bác sĩ sẽ tư vấn và lên kế hoạch phẫu thuật tái tạo vú nhằm xóa bỏ mặc cảm khiếm khuyết cơ thể.

Trong đó, tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn tái tạo vú bằng túi độn hoặc sử dụng mô lấy từ bộ phận khác của cơ thể. Sau phẫu thuật tái tạo, hầu hết phụ nữ sẽ trở lại sinh hoạt bình thường sau 2-3 tháng. Bệnh nhân ung thư vú chưa có con được khuyến cáo trữ trứng trước khi điều trị để tăng cơ hội có con sau này.

Bản đồ