Youtuber ăn gần 1.000 quả trứng trong một tháng
Joseph Everett, sống tại Tokyo, thực hiện thử thách ăn 1.000 quả trứng trong một tháng, song chuyên gia khuyến cáo không nên tiêu thụ quá nhiều trứng trong thời gian liên tục.
Everett, một Youtuber có nhiều người theo dõi, muốn kiểm chứng tuyên bố của một vận động viên thể hình rằng "chế độ ăn nhiều trứng có thể giúp tăng cơ hiệu quả như sử dụng steroid".
Trong suốt thử thách, Everett kết hợp chế độ ăn trứng với các bài tập cử tạ và ghi lại tiến trình trong video thu hút hơn 782.000 lượt xem trên YouTube. Mỗi ngày, anh ăn trứng tráng lòng trắng, sinh tố, bữa tối gồm trứng sống và cơm.
Trước khi bắt đầu, Everett đo chỉ số cân nặng, hiệu suất của các bài tập như nâng tạ, deadlift, squat và bench press. Anh cũng thực hiện xét nghiệm máu trước và sau một tháng để theo dõi mức testosterone và cholesterol.
Kết thúc thử thách, anh tăng 6 kg khối lượng cơ, từ mức cân ban đầu 78 kg. Khả năng nâng tạ của anh cũng cải thiện rõ rệt, với mức tăng thêm 20 kg so với lúc mới bắt đầu.
Điều đáng chú ý, xét nghiệm máu cho thấy mức cholesterol xấu (LDL) không tăng, trong khi cholesterol tốt (HDL) - loại giúp loại bỏ cholesterol xấu - lại tăng. Ngoài ra, mức triglyceride, một loại chất béo liên quan tới nguy cơ đột quỵ và đau tim, cũng giảm.
Everett cho biết anh không phải người tập thể hình chuyên nghiệp, nhưng thường xuyên luyện tập để giữ dáng. Trong chế độ ăn, ngoài 30 quả trứng, anh bổ sung thêm cơm, thịt bò, sữa chua, trái cây, mật ong và đôi khi là thanh protein. Tổng lượng calo mỗi ngày ước tính từ 3.300 đến 3.700 calo, cao hơn đáng kể mức khuyến nghị 2.500 calo cho nam giới.
Trứng là nguồn cung cấp protein dồi dào, giàu vitamin và khoáng chất như canxi, sắt, kẽm, kali. Everett cho biết: "30 quả trứng cung cấp cho tôi 190 gram protein, đủ lượng vitamin A, 120% nhu cầu vitamin D và nhiều vitamin nhóm B".
Tuy nhiên, chế độ ăn này cũng nạp vào cơ thể 45 gram chất béo bão hòa – cao hơn mức giới hạn 30g một ngày dành cho nam giới theo khuyến cáo của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS).
Everett lập luận cơ thể anh có thể chuyển hóa chất béo thành testosterone – hormone nam giúp tăng cơ khi kết hợp tập luyện. Khoảng ngày thứ 9, anh cảm thấy thay đổi hành vi rõ rệt, nghi ngờ do testosterone tăng. "Tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng, tập trung hơn, ham muốn tăng và có động lực mạnh mẽ hơn", anh nói.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cuối cùng cho thấy testosterone không thay đổi. "Tôi có cảm giác như testosterone tăng, nhưng thực tế không phải vậy", anh chia sẻ.
Dù ăn lượng trứng lớn, xét nghiệm máu cho thấy không có thay đổi tiêu cực về cholesterol. Thậm chí, mức HDL tăng, còn LDL gần như giữ nguyên.
Everett đánh giá thử thách không quá khó. "3.500 calo/ngày không là gì với cường độ tập luyện của tôi, tôi thường xuyên đói", anh nói. Tuy nhiên, đến ngày thứ 20, sau 6 ngày liên tục ăn trứng sống, anh gặp vấn đề tiêu hóa: táo bón, chuột rút, phải ở trong nhà vệ sinh hơn một giờ mỗi lần.
Anh nghi ngờ nguyên nhân là chất ức chế trypsin trong trứng sống – có thể gây rối loạn tiêu hóa. Khi chuyển sang nấu chín lòng trắng, tình trạng này cải thiện.
Everett cho biết không chắc kết quả đạt được có tương đương steroid hay không, nhưng anh sẵn sàng thử lại nếu muốn tăng cân.
Trước đây, nhiều bác sĩ khuyến cáo giới hạn ăn ba đến bốn quả trứng mỗi tuần do lo ngại cholesterol cao gây bệnh tim. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy ăn một quả trứng mỗi ngày trong chế độ ăn đa dạng không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Hiện nay, giới chuyên gia không còn giới hạn cụ thể số lượng trứng tiêu thụ, miễn là ăn trong khuôn khổ chế độ ăn cân bằng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều trứng trong thời gian dài vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe tim mạch.
Tiến sĩ Pradeep Natarajan, bác sĩ tim mạch tại hệ thống y tế Mass General Brigham (Mỹ), khuyến nghị: "Trứng là thực phẩm tốt, nhưng nên giới hạn ở mức một quả mỗi ngày, trung bình trong một tuần, và tránh ăn quá nhiều trong một ngày".
Ngoài ra, một nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA (Hiệp hội Y khoa Mỹ) cho thấy tiêu thụ 300 mg cholesterol mỗi ngày – tương đương lượng có trong hai quả trứng – có thể làm tăng 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và 18% nguy cơ tử vong sớm. Dù vậy, cách chế biến vẫn quan trọng – trứng luộc tốt hơn trứng chiên do chứa ít chất béo hơn.