Xử trí thế nào khi tràn dịch khớp gối

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xử trí thế nào khi tràn dịch khớp gối

Xử trí thế nào khi tràn dịch khớp gối
Chườm lạnh, băng ép, tập thể dục vừa phải là những phương pháp đơn giản giúp giảm đau và khó chịu nhanh chóng do tràn dịch khớp gối gây ra.

Tràn dịch khớp gối là tình trạng viêm, làm cho lượng dịch trong khớp gối tăng bất thường, khiến đầu gối sưng phù và đau nhức. Tràn dịch đầu gối thường xảy ra sau chấn thương hoặc mắc các bệnh lý gây viêm khớp như thoái hóa khớp, gout, viêm khớp dạng thấp làm giảm tầm vận động của khớp.

ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư, khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này là sưng nề khớp gối đi kèm với cơn đau dai dẳng, khớp tràn dịch thường to hơn bên kia do lượng dịch dư thừa. Người bệnh nên đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến tràn dịch và các dấu hiệu bất thường khác, từ đó kịp thời điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp tràn dịch khớp gối nhẹ tìm được nguyên nhân, chưa cần tác động xâm lấn, bác sĩ chỉ định người bệnh dùng thuốc điều trị. Trong quá trình này, bên cạnh tuân thủ chỉ định của bác sĩ, để giảm các triệu chứng khó chịu, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như sau:

Chườm lạnh là phương pháp sử dụng nhiệt độ thấp làm co mạch máu, giảm chuyển hóa và lưu lượng máu đến đầu gối để giảm sưng, đau và viêm. Người bệnh nên sử dụng túi chườm hoặc cho đá vào một chiếc khăn mỏng, sau đó chườm lên đầu gối khoảng 15-20 phút. Tránh chườm đá trực tiếp lên da hoặc chườm quá lâu vì có thể gây bỏng lạnh.

Băng ép hoặc quấn và nâng cao đầu gối, thúc đẩy quá trình tái hấp thu dịch diễn ra nhanh hơn, ngăn chặn tình trạng tràn dịch trở nặng hơn cũng như bảo vệ khớp gối. Phương pháp này đặc biệt có hiệu quả trong trường hợp tràn dịch khớp gối do chấn thương hoặc thoái hóa. Tuy nhiên, người bệnh không nên quấn quá chặt vì có thể làm nóng khớp gối hoặc kích ứng da, thậm chí có thể dẫn đến thiếu máu ở vùng mô dưới đầu gối.

Vận động vừa phải để tránh cứng khớp. Người bị tràn dịch khớp gối vận động quá mức như chạy nhảy, lên xuống cầu thang thường xuyên, gập gối... làm cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Ngược lại, không vận động, chỉ nằm một chỗ, cũng có thể gây cứng khớp.

Bác sĩ Thư khuyến cáo người bệnh tràn dịch khớp gối không nên chườm nóng, bôi dầu hoặc xoa bóp. Lúc này khớp gối đang trong trạng thái viêm, chườm nóng hoặc bôi dầu làm nhiệt độ ở khu vực này tăng lên, bệnh nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, xoa bóp kích thích các tế bào viêm ở khớp gối hoạt động mạnh hơn, giải phóng ra nhiều chất gây viêm hơn, làm tình trạng viêm và tràn dịch nặng hơn.
Trường hợp nặng hoặc các biện pháp chăm sóc tại nhà không hiệu quả, tùy nguyên nhân gây tràn dịch, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp can thiệp gồm:

Chọc hút dịch khớp bằng cách đưa kim chuyên dụng vào vùng khớp gối và hút dịch ra ngoài. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được tiêm thuốc kháng viêm vào khớp. Chất dịch được mang đi xét nghiệm để xác định rõ bản chất, từ đó có hướng điều trị thích hợp.

Nội soi khớp để bác sĩ quan sát trực tiếp tình trạng khớp, sụn chêm, dây chằng quanh khớp. Bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết (các trường hợp bệnh khó), cắt lọc bao khớp, khâu sụn chêm, tái tạo dây chằng... trong các trường hợp nặng hoặc chấn thương.

Bản đồ