Uống nhiều thuốc giảm đau có hại thận?

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Uống nhiều thuốc giảm đau có hại thận?

Uống nhiều thuốc giảm đau có hại thận?
Ba tôi 65 tuổi, mắc bệnh gout, đái tháo đường type 2. Mỗi lần đau khớp, ông tự mua thuốc giảm đau nhanh.

Gần đây tôi thấy màu da của ba chuyển vàng có phải do thuốc giảm đau ảnh hưởng gan, thận không? (Hoàng, 34 tuổi, TP HCM)

Trả lời:

Tự ý dùng thuốc giảm đau mà không có bác sĩ kê đơn là tình trạng phổ biến. Nhiều người nhận thấy thuốc giảm đau có tác dụng nhanh nên rất tin tưởng, cứ tái phát cơn đau (đau đầu, đau bụng, đau răng, đau bụng kinh, sổ mũi, cảm cúm, sốt...) lại ra tiệm để mua thuốc. Lạm dụng lâu dài gây hại gan, thận, phổi dẫn tới ngộ độc thuốc.

Đa phần các loại thuốc giảm đau (không được kê đơn) được chia thành các nhóm là paracetamol (acetaminophen), thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) và sau này có nhóm anti-Cox 2. Trong đó, paracetamol giảm đau bằng cách ức chế enzym cyclooxygenase giúp giảm sản xuất ra prostaglandin - hợp chất gây viêm và đau, thường được sử dụng điều trị các cơn đau đầu nhẹ đến vừa, đau răng hoặc trị cảm cúm... Tuy nhiên nếu không sử dụng paracetamol đúng cách như liều cao kéo dài có thể gây ra một số tác dụng phụ như dị ứng (mẩn đỏ, ngứa) và tổn thương gan.

Tương tự, nhóm kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc anti-Cox 2 thường được chỉ định cho tình trạng đau khớp, đau cơ, đau bụng kinh, đau đầu hay viêm nhiễm. Chúng giảm đau rất hiệu quả, tuy nhiên có một số tác dụng phụ như viêm loét dạ dày, đặc biệt ảnh hưởng đến chức năng thận và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nếu sử dụng trong thời gian dài.
Thận có chức năng lọc chất thải, giữ cân bằng chất lỏng và điện giải trong cơ thể. Nhóm thuốc NSAID/ anti-COX2 lại có thể cản trở hoạt động của thận, gây co động mạch thận, sử dụng quá liều hoặc lâu dài sẽ khiến thận bị tổn thương. Nếu uống thuốc giảm đau nhiều mà không được bác sĩ kê đơn dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thận cấp, có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thận cấp, đau tim, suy tim, đột quỵ, hình thành các cục máu đông. Đặc biệt người cao tuổi, người có nhiều bệnh nền như trường hợp ba của bạn, người mắc các bệnh về thận, không nên sử dụng thuốc giảm đau mà không được bác sĩ chỉ định.

Sau khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như ù tai, mờ mắt, phát ban, nổi mề đay, ngứa, phù (nề), có máu lẫn trong nước tiểu hoặc phân, bị nôn ói, đau dạ dày dữ dội, đau ngực, tim đập nhanh, vàng da... cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán, làm xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Ba bạn đã xuất hiện tình trạng vàng da, nhiều bệnh lý nền cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, không tự ý tiếp tục dùng thuốc giảm đau vì ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng gan, thận.

Bản đồ