Tự hành hạ bản thân để giải tỏa stress

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tự hành hạ bản thân để giải tỏa stress

Tự hành hạ bản thân để giải tỏa stress
Hà NộiPhải dừng việc học để sinh con, Hồng, 21 tuổi, bị trầm cảm, liên tục cào cấu, đánh, tát bản thân để thoải mái, bác sĩ chẩn đoán mắc chứng "tự ngược đãi bản thân".

Cô gái đang là sinh viên năm ba một trường đại học tại Hà Nội, song phải dừng việc học để sinh con, mỗi ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng. Hồng kể, tuy làm mẹ nhưng tâm trí cô không để tâm tới việc chăm sóc hay thể hiện tình cảm với con, ngược lại là sự kiệt quệ về thể xác, mệt mỏi, khó chịu về tinh thần khi nghe trẻ khóc.

9 tháng sau sinh, Hồng không đi học trở lại mà ở chỉ ở nhà chăm con, do đó có tâm lý phải nuôi con hoàn hảo để thể hiện giá trị bản thân. "Tâm lý chỉ có mỗi việc nuôi con nên em muốn làm thật tốt, thật chu đáo", cô chia sẻ với bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, hồi giữa tháng 9.

Khi bé bị nôn trớ, chậm tăng cân, ốm đau, cô gái lại tự trách mình, cảm thấy bản thân vô dụng. Gần đây khi về quê chồng, bố mẹ và hàng xóm liên tục chê bé còi, không biết bò, chậm mọc răng, chê cô nấu cháo không ngon khiến Hồng căng thẳng. Chồng không thấu hiểu lại trách Hồng thêm khiến cô stress, trong đầu liên tục xuất hiện ảo thanh về tiếng khóc của con, sau đó tự hành hạ bản thân để giải tỏa.

"Em khóc, cào cấu, đánh, tát, tự hành hạ mình để thoải mái", bệnh nhân cho hay.

Trường hợp khác là Phương Nhi, 14 tuổi, được mẹ phát hiện nhiều dao lam, hộp diêm trên bàn học. Ban đầu, người mẹ không nghĩ rằng con tự ngược đãi bản thân, đến khi tận mắt thấy những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể. "Tôi đã quá vô tâm, tôi đã sai lầm khi cư xử không đúng mực với con cái", người phụ nữ khóc, bộc bạch với bác sĩ Thu.

Sự việc bắt đầu từ cách đây một năm khi gia đình thấy con chểnh mảng học hành, xếp hạng gần cuối lớp nên liên tục chì chiết, xúc phạm. Bố mẹ hạn chế tất cả thời gian chơi của con gái, bắt phải học đến 12 giờ đêm dưới sự quản thúc.

Nữ sinh tự làm đau bản thân để giải tỏa, sau đó mặc áo dài, giấu cha mẹ. Khi vào viện, trên cổ tay em đã có 14 vết cắt nông nhưng đủ rỉ máu, có vết thành sẹo, có vết mới. Em nói không thích học, một ngày "vô cùng tù túng khi chỉ đâm đầu vào sách vở, không thể tìm được ý nghĩa cuộc sống". Tâm lý bất ổn, Nhi bắt đầu dùng dao lam tự rạch tay, hoặc dùng que diêm nóng ấn trực tiếp lên da để giải tỏa. "Em không thấy đau mà trong lòng nhẹ nhàng hơn", Nhi nói.

Cả hai bệnh nhân được bác sĩ Thu chẩn đoán trầm cảm kèm mắc hội chứng tư ngược đãi bản thân, được dùng liệu pháp tâm lý kết hợp thuốc.
Hội chứng tự ngược đãi bản thân (Self-Harm) là tình trạng mà người bệnh thường thực hiện các hành vi tự gây tổn hại về cả thể chất và tinh thần, từ đó tạo cảm giác thoải mái, giảm bớt đau khổ và căng thẳng.

Theo bác sĩ Thu, đây là một dạng rối loạn tâm thần, biểu hiện thông qua các hành vi tiêu cực. Một số hành động điển hình của bệnh nhân mắc hội chứng, bao gồm: Sử dụng dao, vật sắt nhọn hoặc mảnh chai để rạch, cắt cổ tay hay nhiều vị trí cơ thể, tạo ra những vết sẹo chằng chịt; nhịn ăn; cào cấu gây tổn thương da; tự nhổ tóc, đập đầu vào tường, tự đánh và tát bản thân; sử dụng que diêm hoặc tàn thuốc lá ấn trực tiếp lên da, gây ra các vết bỏng...

Hội chứng xuất phát từ tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm đang âm thầm, lẩn khuất trong cuộc sống, nhất là đối với giới trẻ. Bác sĩ nhìn nhận đây là đối tượng chưa có nhiều kinh nghiệm sống, thường tự gây tổn thương, tự hủy hoại cơ thể để trốn tránh hoặc giải tỏa cảm xúc của mình.

Hội chứng tự ngược đãi bản thân mang theo nhiều nguy cơ, biến chứng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tiên lượng cho hành vi tự gây thương tích khác nhau tùy thuộc vào trạng thái cảm xúc hoặc tâm lý của người bệnh. Điều quan trọng là phải xác định các yếu tố dẫn đến hành vi tự gây thương tích của một cá nhân và xác định và điều trị bất kỳ rối loạn nhân cách nào đã tồn tại từ trước.

Mặc dù không hướng đến mục đích tự sát nhưng sự lặp đi lặp lại của hành vi này có thể làm nặng thêm các vấn đề tâm thần có sẵn và tăng nguy cơ tự sát. Tâm lý bất ổn, căng thẳng và tức giận liên tục có thể gây hàng loạt hệ lụy, điển hình là sự khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và làm tổn thương mối quan hệ xung quanh.

Hội chứng cũng có thể làm nền tảng cho nhiều vấn đề tâm lý khi trưởng thành như rối loạn nhân cách ranh giới, trầm cảm, rối loạn lo âu. Nhiều người lạm dụng chất kích thích để giải tỏa tâm lý, nguy cơ phạm tội cao hơn.

Cách tốt nhất để cải thiện hội chứng tự ngược đãi bản thân là chia sẻ cảm xúc với người thân và bạn bè; tìm kiếm sự hỗ trợ từ các mối quan hệ xung quanh. Bác sĩ nhìn nhận đây là rối loạn tâm lý phổ biến, thường xuất hiện ở trẻ vị thành niên và người trẻ. Do đó, việc thay đổi phương pháp giáo dục và tăng cường quan tâm đối với cảm xúc và suy nghĩ của con cái rất quan trọng để ngăn chặn và cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.

Bản đồ