Trung Quốc gặp khó khi giải bài toán khuyến sinh

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung Quốc gặp khó khi giải bài toán khuyến sinh

Trung Quốc gặp khó khi giải bài toán khuyến sinh
Khi cùng chồng bước lên chuyến bay 15 tiếng từ Hàng Châu đến Maldives để hưởng tuần trăng mật, Yu Yueqi không hề nghĩ đến chuyện sẽ có con.

Người phụ nữ 32 tuổi thừa nhận, cô không chú ý nhiều đến các chính sách khuyến sinh hay chăm sóc trẻ em ở Trung Quốc. Cô cho rằng mình sẽ chỉ có con khi cảm thấy sẵn sàng - một tâm lý chung được nhiều cặp đôi đồng tình. Họ trì hoãn việc kết hôn hoặc làm cha mẹ, thậm chí bỏ hẳn ý muốn sinh con vì chưa ổn định tài chính hoặc bất bình đẳng giới.

Thái độ này mâu thuẫn với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ. Theo Bộ Nội vụ, số ca sinh mới và lượng người kết hôn đang ở mức thấp kỷ lục. Ca sinh giảm gần một nửa, từ khoảng 17 triệu vào năm 2014 xuống còn 9 triệu vào năm 2023. Tỷ lệ kết hôn, vốn có liên quan mật thiết đến tỷ lệ sinh, cũng không khả quan. Chỉ 4,75 triệu cặp đôi kết hôn trong 9 tháng qua, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông He Yafu, một nhà nhân khẩu học ở Quảng Đông, ước tính tổng số cuộc hôn nhân trong năm nay có thể giảm từ 6 đến 7 triệu, thấp hơn đáng kể so với những năm trước. Dân số Trung Quốc, từng đông nhất thế giới, đã giảm hai năm liên tiếp do tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ giảm mạnh. Điều này gây áp lực lớn đối với thế hệ trẻ trong việc hỗ trợ dân số già.

Giới chức vì thế nỗ lực tăng tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ bằng nhiều biện pháp, từ việc cho phép đăng ký kết hôn tại các địa điểm đẹp như tranh vẽ, đến ban hành chính sách hỗ trợ tài chính như bảo hiểm thai sản, mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em và giảm thuế. Thậm chí, ở một số nơi, cán bộ cơ sở gọi điện hỏi phụ nữ về kế hoạch mang thai.

Chính phủ Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc khảo sát toàn quốc, với 30.000 người trên 150 huyện và 1.500 cộng đồng khác nhau để tìm hiểu về quan điểm của người dân đối với việc sinh con và những "e ngại" liên quan. Kết quả, nhiều người cho biết họ có những ưu tiên khác.

Tại Trung Quốc, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ đến 18 tuổi ước tính khoảng 485.000 nhân dân tệ (67.000 USD) vào năm 2019, gần gấp 7 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của đất nước, cao hơn nhiều so với các nơi khác, bao gồm Mỹ và Nhật Bản, theo Viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh.

Chia sẻ về những thách thức giữa nuôi con gái mới sinh và công việc tại một ngân hàng ở Ngân Xuyên, Xiao Zhang, 27 tuổi, cho biết cô "không nghĩ chính sách nào có thể thực sự giải quyết các vấn đề này".

"Chúng xa vời không có nhiều tác động thiết thực đến người dân bình thường. Chúng tôi phải tính đến nhà ở, học khu, các tiện ích gần đó và chủ yếu là gánh nặng tài chính khi nuôi con. Chúng tôi không tự xoay xở được", cô nói.

Là một gia đình có hai nguồn thu nhập, cô và chồng không thể cân bằng việc chăm sóc con cái nếu không có sự hỗ trợ từ các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Ông bà vốn sống ở nông thôn, giờ đây cần học cách thích nghi với cuộc sống ở thành phố. Điều này với gia đình cô là vô cùng khó khăn. Vì vậy, cô ưu tiên "kiếm tiền trước rồi mới chăm con".

"Đây là thực tế. Trừ khi bạn làm nhà nước, lịch trình đều đặn từ 9h sáng đến 5h chiều, việc chăm sóc con cái mới ổn định. Chúng tôi hầu hết phải tăng ca, chỉ được nghỉ một ngày trong tuần", cô nói, thêm rằng các công ty có những thành kiến riêng khi tuyển dụng phụ nữ. Vì vậy, việc thay đổi công việc nhanh chóng là không thực tế.
Trung Quốc không đơn độc trong cuộc chiến nhân khẩu học. Chuyên gia cho biết, các nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đứng giữa bài toán tương tự. Các biện pháp khuyến sinh của chính phủ như nghỉ thai sản dài hơn và trợ cấp tiền mặt không mang lại kết quả.

Nhà xã hội học Sandy To tin rằng các chính sách sinh sản ở Trung Quốc cần mang lại cho phụ nữ "cảm giác tự tin rằng việc có con sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lối sống và sự nghiệp của họ".

"Thời thế đã thay đổi. Bạn không còn ép buộc được những người trẻ. Bạn phải thuyết phục được họ rằng, việc kết hôn và lập gia đình sẽ đem lại hạnh phúc cho chính họ. Bản thân họ cần có lòng tin, mình đủ nguồn lực để sinh con. Vấn đề là phụ nữ chưa có đủ kinh tế và sự hỗ trợ của xã hội hiện đại để làm điều này", tiến sĩ To nói.

Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa học xã hội và chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho rằng các chính sách khuyến sinh nên đóng vai trò như "công cụ thực sự hỗ trợ hạnh phúc gia đình", thay vì chỉ là "phương tiện để tăng tỷ lệ sinh quốc gia".

Ông nói, tỷ lệ sinh giảm cũng là "sự phản ánh xuôi dòng của các vấn đề và thách thức khác trong xã hội". Theo ông, các ưu đãi tài chính đơn thuần sẽ không giải quyết được vấn đề mang tính hệ thống, chẳng hạn chi phí sinh hoạt cao, sự cạnh tranh trong giáo dục và văn hóa làm việc cứng nhắc.

Các chuyên gia cảnh báo chính sách khuyến sinh có thể khiến Trung Quốc đối mặt với những thách thức tương tự ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Những gì chính phủ Trung Quốc dự định làm, chính phủ Nhật Bản đã làm rồi. Các chính sách mới được đưa ra của Trung Quốc chủ yếu là về kinh tế, cố gắng giảm chi phí chăm sóc con cái cho các gia đình", tiến sĩ Yi Fuxian, chuyên gia nhân khẩu tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết.

Viện dẫn những khó khăn của Hàn Quốc, giáo sư Gietel-Basten cảnh báo không nên áp dụng "chủ nghĩa sinh sản" để hối thúc người trẻ có con. Đây là các chính sách được đề ra với mục tiêu duy nhất là tăng tỷ lệ sinh.

Trong thông báo chính thức ngày 19/10, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố một loạt kế hoạch để khuyến sinh, chẳng hạn bảo hiểm thai sản mới, mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em và giảm thuế cho các gia đình.

Giới chức địa phương thậm chí có các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tại thành phố Lữ Lương thuộc tỉnh Sơn Tây, các cặp đôi mới cưới được trao thưởng 1.500 nhân dân tệ nếu cô dâu dưới 35 tuổi.

Bản đồ