Trời lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trời lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim

Trời lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim
Thời tiết lạnh dễ dẫn đến co thắt mạch máu, huyết áp tăng cao đột ngột làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Không khí lạnh đang tràn xuống miền Bắc, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi xuống dưới 10 độ và Hà Nội là 14 độ, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia. Đây là đợt rét đậm đầu tiên của năm nay tại miền Bắc.

"Các ca đột quỵ, nhồi máu cơ tim vào mùa lạnh thường có xu hướng tăng", TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nói. Bệnh viện ghi nhận số người đột quỵ và nhồi máu cơ tim từ tháng 11/2023 đến tháng 2 năm nay tăng 20-30% so với những tháng còn lại trong năm.

Thời tiết thay đổi không phải nguyên nhân gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim, song là yếu tố thúc đẩy. Khi lạnh đột ngột, cơ thể sẽ phản ứng mang tính tự vệ như co mạch máu ngoại biên, tăng tiểu cầu, tăng độ nhớt khiến máu dễ bị đông, dẫn đến hình thành cục huyết khối, gây tắc mạch. Nhiệt độ giảm cũng làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, hệ renin angiotensin (các hormone làm nhiệm vụ điều hòa cân bằng huyết áp và dịch ngoại bào trong cơ thể) dẫn đến tăng huyết áp.

Huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên có thể làm hỏng các mạch máu cung cấp máu cho não, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Huyết áp càng cao thì nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim càng lớn, theo phó giáo sư Yến.

Như ông Thắng, 56 tuổi, tiền sử tăng huyết áp nhưng vẫn thường dậy sớm tập thể dục. Thời tiết lạnh, ông dậy từ 5h ra công viên tập thể dục, sau 30 phút thì xuất hiện các triệu chứng đau đầu dữ dội, chóng mặt, khó nói, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội được chẩn đoán đột quỵ.
Thực tế, không ít người cao tuổi, cũng như ông Thắng, đang uống thuốc điều trị bệnh nền song chủ quan, không theo dõi huyết áp, dậy sớm tập thể dục. Trong nhà, nhiệt độ ấm, ngoài trời thời tiết lạnh, áo không đủ ấm, nhiệt độ cơ thể giảm xuống nhanh khiến cơ thể không thích nghi kịp, khiến huyết áp tăng cao kịch phát. Cơ thể vừa chuyển từ trạng thái ngủ sang thức, các hormone điều khiển hoạt động hệ thống tim mạch tăng tiết, trong khi một số chất hóa học ảnh hưởng quá trình cầm máu (nitric oxit) tiêu hao sau một đêm dài. Vận động gắng sức không hợp lý vào buổi sáng có thể gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Phó giáo sư Yến lưu ý đột quỵ và nhồi máu cơ tim có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả người trẻ. Mọi người cần ngủ đủ giấc vào mùa đông. Sau khi thức dậy, chờ cơ thể tỉnh táo và có thể khởi động nhẹ nhàng tại nhà. Không nên tập thể dục ngoài trời khi huyết áp tăng, rét đậm. Người có bệnh tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp hàng ngày, tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tăng cholesterol, đái tháo đường... Biện pháp phòng ngừa chung là tăng cường vận động, tránh ngồi một chỗ trong thời gian dài liên tục, áp dụng chế độ ăn ít muối, ít dầu mỡ, tăng cường rau xanh, quả chín, bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng bia rượu, chất kích thích.

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 12,2 triệu ca đột quỵ mới trên toàn cầu, theo Tổ chức Đột quỵ Thế giới. Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ ở nước ta khoảng trên 200.000 mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Ước tính có 17,9 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch vào năm 2019, chiếm 32% tổng số ca tử vong trên toàn cầu, trong đó 85% là do nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Bản đồ