Thứ trưởng Y tế: 'Đừng để người bệnh tốn tiền tầm soát đột quỵ không cần thiết'
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Tri Thức đề nghị các bệnh viện ưu tiên khám sàng lọc các yếu tố nguy cơ, hạn chế chỉ định xét nghiệm không cần thiết khi tầm soát đột quỵ.
"Không nên để xảy ra tình trạng một bệnh nhân đến tầm soát đột quỵ là các cơ sở chỉ định làm cận lâm sàng từ A đến Z rồi sau đó mới gặp bác sĩ khám lâm sàng, sẽ rất lãng phí", ông Thức nói tại hội thảo phòng chống đột quỵ do Báo Tiền Phong tổ chức, ngày 20/4. Thậm chí, nếu bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ, hoặc các chỉ số này rất thấp, xin chụp chiếu tầm soát chỉ vì lo lắng, các cơ sở nên giải thích rõ, mạnh dạn từ chối, đừng để người bệnh tốn tiền không cần thiết.
Thực tế, tình trạng lạm dụng chỉ định, khám và sàng lọc đột quỵ không cần thiết đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Nhiều bệnh nhân được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm như chụp CT, MRI hay các loại xét nghiệm máu, dù không có dấu hiệu rõ ràng hoặc yếu tố nguy cơ cao. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo lắng của người bệnh, mong muốn kiểm tra cho yên tâm, cũng như thói quen của một số bác sĩ dựa nhiều vào cận lâm sàng thay vì khám lâm sàng kỹ lưỡng. Một số cơ sở y tế còn xem đây là cách tăng doanh thu. Việc này không chỉ gây tốn kém chi phí cho người bệnh, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế, mà còn tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm bức xạ không cần thiết, theo các chuyên gia.
Lãnh đạo Bộ Y tế khuyên người dân trang bị kiến thức, cân bằng nỗi sợ đột quỵ bằng hiểu biết và hành động. Không nên sợ hãi đến mức ăn gì cũng sợ, đi đâu cũng sợ đột quỵ. Cần nắm được những yếu tố nguy cơ cao gây bệnh này như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, chế độ vận động, chế độ ăn uống..., từ đó có chế độ kiểm soát, phòng ngừa phù hợp.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đột quỵ không còn là bệnh của người già. Thống kê trên thế giớ năm 2019, khoảng 63% số ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi và 16% xảy ra với những người dưới 50 tuổi. Trong các bệnh không lây nhiễm, đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai.
10 yếu tố hàng đầu gây đột quỵ gồm hút thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng đồ uống có cồn, ít hoạt động thể lực, ô nhiễm không khí, chỉ số BMI cao, tăng choloesterol, tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn chức năng thận. Trung bình cứ 3 giây có một ca mắc mới trên toàn cầu.
"Bệnh nhân bị đột quỵ dù được chữa trị tại trung tâm tốt nhất, khả năng quay trở lại công việc trước đây vẫn không khả quan, tối đa chỉ khoảng 50%", bác sĩ Khoa nói. Điều này có nghĩa cứ hai người bị đột quỵ thì mất đi một lao động, dù điều trị tại trung tâm chất lượng cao.
Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam nằm số những nước có màu đỏ đậm nhất - nhóm các quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất. Các thống kê ước tính 1 trong 4 người trưởng thành trên 25 tuổi có nguy cơ mắc đột quỵ trong đời.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng "đột quỵ không phải là căn bệnh trời kêu ai nấy dạ". 90% các bệnh nhân đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ. Do đó, việc tốt nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ, chứ không phải uống một viên thuốc, trông chờ vào một phương pháp kỳ diệu có thể phòng ngừa suốt đời.
Ngoài ra, điều quan trọng là cần nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ như yếu liệt một bên, nói khó, méo miệng, đưa đến cơ sở có khả năng điều trị càng sớm càng tốt. Những năm qua, các bác sĩ nỗ lực mở rộng mạng lưới điều trị, giúp nâng số cơ sở tại Việt Nam lên 7 trung tâm, 12 khoa, 84 đơn vị, 27 đội điều trị đột quỵ tại các bệnh viện, trong đó nhiều nơi đạt được các chuẩn của thế giới. Dù số cơ sở tăng nhanh, nhưng "vẫn còn rất khiêm tốn", chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.
"Trong cấp cứu đột quỵ, việc đưa đến cơ sở y tế gần nhất là sai, mà phải đến nơi điều trị được, tránh làm chậm trễ thời gian vàng những giờ đầu", bác sĩ Thắng nói.
Hiện nay, sự ra đời của các luật mới như Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm Y tế, cùng những quy định, hướng dẫn mới, giúp việc điều trị đột quỵ ngày càng thuận lợi. Nhiều thuốc mới, phương pháp can thiệp mới đã được bảo hiểm y tế chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận tốt hơn. Các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị có nhiều tiến bộ, giúp thay đổi ngoạn mục về kết quả đối với người bệnh.
Bộ Y tế đã thành lập chuyên trang thông tin về đột quỵ tại dotquy.kcb.vn, cung cấp những kiến thức về bệnh đến cộng đồng. Bộ cũng thường xuyên cập nhật các hướng dẫn điều trị, giúp các cơ sở tiếp cận sớm các công nghệ hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh về khoa học công nghệ ứng dụng trong y tế hiện nay, để Việt Nam không bị chậm hơn so với quốc tế.