Thiếu niên chảy máu phổi do sốt xuất huyết
TP HCMBệnh nhi 14 tuổi khó thở, ho và ọc ra máu sau 4 ngày sốt cao, bác sĩ xác định sốt xuất huyết gây xuất huyết phổi, suy hô hấp nặng.
Ngày 27/11, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi còn tổn thương gan, men gan tăng cao, rối loạn chức năng đông máu, tiểu cầu giảm ở mức rất nghiêm trọng. Bác sĩ hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục, sau đó đặt nội khí quản giúp thở, truyền máu và chế phẩm máu, kết hợp nhiều biện pháp điều trị.
Thở áp lực dương liên tục (CPAP) là một phương pháp hỗ trợ thở cho bệnh nhân bị suy hô hấp nhưng vẫn còn khả năng tự thở. Phương pháp này duy trì một áp lực dương liên tục trong đường thở, giúp mở rộng phổi và cải thiện sự lưu thông không khí.
Thiếu niên qua nguy kịch, dần hồi phục sau 10 ngày, cai được máy thở, chức năng gan thận đông máu trở về bình thường, hết xuất huyết phổi.
Bệnh nhân sốt xuất huyết giai đoạn nặng thường chảy máu cam; chảy máu chân răng; xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não với biểu hiện chính là nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường... Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
Ca sốt xuất huyết tại TP HCM tăng liên tục hàng tuần trong hai tháng qua. Lượng bệnh thường tăng cao vào thời điểm cuối năm, mưa nhiều, thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi và lây lan mầm bệnh.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, loăng quăng, ngủ mùng. Đưa trẻ ngay vào bệnh viện khi sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau: bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, ói; tay chân lạnh; lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống.