Tăng huyết áp kéo dài - dấu hiệu cảnh báo có khối u
Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến, song đôi khi nó là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng bên trong cơ thể, như u tuyến thượng thận.
Nam bệnh nhân 34 tuổi, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh và không có tiền sử bệnh mạn tính. Khoảng hai tuần trước khi nhập viện, anh xuất hiện sốt, đau đầu, chảy nước mũi và được bệnh viện địa phương xác định mắc cúm B.
Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ phát hiện chỉ số huyết áp của anh lên tới 190/110 mmHg. Mặc dù đã được cấp thuốc hạ áp và hướng dẫn điều trị tại nhà, huyết áp vẫn không giảm mà dao động ở mức cao, từ 160/90 đến 180/90 mmHg.
Lo lắng khi tình trạng kéo dài, anh chủ động tới bệnh viện tuyến trên để tiếp tục theo dõi. Tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ ghi nhận tình trạng tăng huyết áp phối hợp với nhịp tim nhanh, chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhằm tìm ra nguyên nhân, hồi cuối tháng 4.
Kết quả xét nghiệm máu và chụp cắt lớp vi tính bụng cho thấy bên tuyến thượng thận trái của anh có một khối u kích thước 5 cm, phù hợp với u tủy thượng thận – một dạng u hiếm, có khả năng bài tiết các chất làm huyết áp tăng vọt, không đáp ứng với thuốc điều trị thông thường.
Sau khi xác định được nguyên nhân, các bác sĩ kiểm soát huyết áp bằng nhiều loại thuốc, theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe. Hai ngày tiếp theo, các biểu hiện triệu chứng thuyên giảm rõ rệt, huyết áp trở về ngưỡng an toàn.
Cuối cùng, bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ khối u thượng thận trái, hiện không cần dùng thuốc huyết áp.
Bác sĩ cho biết tăng huyết áp kéo dài, đặc biệt ở người trẻ tuổi, không nên chủ quan. Trong quá trình điều trị, nếu thấy huyết áp không ổn định, người bệnh cần đi khám chuyên sâu để tìm nguyên nhân. "Có thể đằng sau đó là một bệnh lý nội tiết tiềm ẩn, như u tuyến thượng thận. Khi phát hiện kịp thời, người bệnh được điều trị đúng hướng, tránh được nguy cơ đột quỵ hoặc các biến chứng tim mạch nguy hiểm", đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay.