Suy tim do hẹp mạch vành

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Suy tim do hẹp mạch vành

Suy tim do hẹp mạch vành
TP HCMÔng Phát, 61 tuổi, hẹp cả ba mạch máu nuôi tim nhưng không biết, biến chứng suy tim, dọa nhồi máu cơ tim.

Ông Phát hay đau thắt ngực, cơn đau giảm khi dùng thuốc ngậm nitrat, tái phát mỗi khi vận động gắng sức, tiền căn tăng huyết áp, suy tim. Ngày 8/10, ThS.BS Trần Trung Kiên, khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân có cơn đau thắt ngực ổn định độ 3 (độ 4 là mức độ nghiêm trọng nhất, theo phân độ của Hiệp hội Tim mạch Canada - CCS). Ba mạch máu chính nuôi tim hẹp nặng khoảng 90-95%, cản trở phần lớn lưu lượng máu đến tim, gây thiếu máu cơ tim trầm trọng, suy tim.

Theo ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tình trạng ông Phát dễ dẫn tới nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp gây đột tử. Bệnh nhân có biểu hiện suy tim cách đây một năm, nghĩa là bệnh xuất hiện trước đó nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh được tái thông ba động mạch vành để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, cải thiện suy tim.
Ở ca can thiệp đầu tiên, bác sĩ luồn dây dẫn siêu nhỏ (đường kính 0,2 mm) vào đoạn giữa liên thất trước bị hẹp khít, bơm thuốc giãn mạch để lòng mạch mở rộng tối đa. Hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS) giúp bác sĩ xác định vị trí đoạn mạch lành lặn nhất để bung stent. Sau 45 phút, bác sĩ đặt hai stent phủ thuốc vào nhánh động mạch liên thất trước. Bệnh nhân hết đau ngực ngay sau can thiệp, xuất viện sau một ngày.

Một tuần sau, chức năng tim của bệnh nhân cải thiện lên mức 35%, êkíp đặt tiếp hai stent mở rộng nhánh mạch vành phải và động mạch mũ, khơi thông toàn bộ ba con đường huyết mạch đưa máu đến tim. Bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện vào hôm sau.
Cơn đau thắt ngực ổn định là tình trạng đau ngực xuất hiện khi cơ tim cần nhiều oxy hơn bình thường nhưng không được nhận đủ. Cơn đau thường xảy ra trong lúc người bệnh tập thể dục hoặc vận động gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi, sau khi dùng thuốc nitrat. Triệu chứng này khác với cơn đau thắt ngực không ổn định, thường xuất hiện đột ngột ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thắt ngực ổn định là bệnh mạch vành. Cơn đau giống như cảm giác bị ép hoặc đè nặng, nghẹn ở vùng ngực trái, đau thường một vùng, sau xương ức, kéo dài ít hơn 20 phút. Cơn đau có thể lan ra cánh tay, vai, cổ, hàm, tay trái. Các dấu hiệu đi kèm bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, hụt hơi, thở nhanh, buồn nôn, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, bồn chồn lo lắng. Một số người có biểu hiện khó chịu vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn ói, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày - tá tràng.

Tình trạng này không được điều trị sớm sẽ gây biến chứng thiếu máu cơ tim, suy tim, nhồi máu cơ tim. Nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như cơn đau thắt ngực kéo dài trên 20 phút, đau lan ra ngoài ngực đến vai, cánh tay, lưng hoặc thậm chí đến răng và hàm, ngất xỉu, khó thở, hụt hơi, buồn nôn, ói mửa, đổ mồ hôi..., bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Tác nhân gây bệnh mạch vành là xơ vữa động mạch. Để ngăn ngừa bệnh, mỗi người nên tránh xa thuốc lá, ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch, không lạm dụng bia, rượu, vận động thể chất đều đặn, tránh thừa cân - béo phì, kiểm soát căng thẳng (stress), quản lý các tình trạng sức khỏe khác liên quan đến bệnh tim.

Bản đồ