Những người bỏ điều trị HIV

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những người bỏ điều trị HIV

Những người bỏ điều trị HIV
Long, 23 tuổi, một bệnh nhân HIV, trốn khỏi phòng trọ, để lại vỉ ARV (thuốc trị bệnh) chưa dùng hết và chiếc điện thoại ghi nhật ký.

Chàng trai làm nghề IT, ở Hà Nội, từng đều đặn uống thuốc ARV trong 4 tháng tại một phòng khám chuyên điều trị HIV. Một ngày tháng 4, nhân viên y tế nơi này không thể liên lạc được với anh, sau đó thông qua người bạn thân của Long, họ phát hiện bệnh nhân bị trầm cảm nặng.

Trong chiếc điện thoại không khóa mã, Long ghi chú những lời tâm sự: "Cảm giác như bị đóng đinh vào một thân phận không thể cứu vãn. Chỉ một cái nhăn mặt của người bán thuốc cũng đủ để mình thấy như bị đóng dấu đỏ lên trán "thằng HIV"'. Cuối cùng là lời nhắn: "Nếu ai đó đọc được cái này, đừng tìm mình".

Câu chuyện được bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, giảng viên Khoa Tâm lý và Khoa học Giáo dục, Đại học Đại Nam, kiêm Phó Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, chia sẻ hôm 8/5. Nhờ nỗ lực của người bạn, Long sau đó đã đến khám và trị liệu tâm lý, được bác sĩ động viên quay lại điều trị HIV.

Không riêng Long, Nam, ở Đồng Nai, cũng từng trải qua những ngày hoảng loạn khi nhận kết quả dương tính HIV tại một bệnh viện tỉnh. Được đưa vào diện quản lý, Nam ban đầu tuân thủ điều trị nhưng dần trở nên trầm lặng, vắng bóng tại các buổi tái khám, rồi biến mất khỏi hệ thống. Phải nhờ một người bạn thân, các bác sĩ tâm lý mới tiếp cận được Nam và sát cánh giúp anh quay lại hành trình điều trị.

Tương tự, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ về những bệnh nhân từng quyết định bỏ thuốc, để lại hậu quả là hệ miễn dịch suy giảm, các bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi, lao hay ung thư dễ dàng tấn công. Đơn cử bệnh nhân tên Thành, 39 tuổi, từng quyết tâm sống tốt, đều đặn uống thuốc, rồi một ngày biến mất không lời nhắn, chỉ để lại lời nhắn: "Tôi cần lý do để sống, được chấp nhận, hơn là chỉ cần thuốc".
Những người như Long, Thành - chọn "bốc hơi" khỏi hệ thống y tế dù biết rõ nguy cơ tử vong, không hiếm. Dù nhận thức cộng đồng về HIV/AIDS tại Việt Nam đã cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, một hiện tượng đáng báo động vẫn đang diễn ra âm thầm là nhiều bệnh nhân HIV, đặc biệt là nam có quan hệ đồng giới (MSM), vẫn chọn cách bỏ dở điều trị và ngắt kết nối với mọi dịch vụ hỗ trợ.

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, gần 60% ca nhiễm HIV mới tại Việt Nam là ở nhóm MSM, trong khi đó, tỷ lệ tuân thủ điều trị ARV - thuốc kháng HIV ở nhóm này lại thấp đáng kể so với mức trung bình toàn quốc. Một nghiên cứu do Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI 360) thực hiện vào năm 2024 cho thấy khoảng 50% người sống với HIV tại Việt Nam không duy trì điều trị liên tục, trong đó nhóm MSM chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội năm 2021 khảo sát 183 nam MSM, kết quả 43 người (chiếm 23,5%) có trầm cảm. Các triệu chứng phổ biến nhất (xuất hiện ở trên 50% người mắc) là giảm quan tâm, giảm khí sắc, giảm năng lượng, rối loạn giấc ngủ, bi quan về tương lai, giảm tự trọng. Mức độ trầm cảm vừa là dạng phổ biến nhất trong nhóm này.

"So với tỷ lệ trầm cảm trong dân số chung (khoảng 3-5%), những con số này cho thấy một gánh nặng tâm thần rất lớn mà cộng đồng LGBT đang phải gánh chịu, chủ yếu do áp lực xã hội", bác sĩ Dũng nói.

Bác sĩ nhận định hiện tượng bệnh nhân nhiễm HIV "mất tích" khỏi hệ thống y tế là hậu quả tích tụ của 3 yếu tố chính, bao gồm kỳ thị từ xã hội, gia đình, tự kỳ thị và mặc cảm nội tâm, thiếu các dịch vụ thân thiện, bảo mật.

Thực tế, nhiều người bị xa lánh bởi chính người thân chỉ vì xu hướng tính dục hoặc tình trạng nhiễm HIV. Bản thân họ cũng tự xem mình là "bẩn thỉu", "không xứng đáng được chữa trị", từ đó rơi vào trầm cảm, lo âu và cô lập. Trong khi một số cơ sở y tế vẫn chưa đảm bảo sự riêng tư phù hợp khi tiếp nhận người bệnh, đặc biệt là cộng đồng LGBT.

"Đây là vòng xoáy nguy hiểm khi rối loạn tâm thần làm suy giảm động lực điều trị, mất kết nối y tế lại khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh hơn và tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng", bác sĩ nói.

Đối với người chuyển giới, nguy cơ chịu phân biệt đối xử còn lớn hơn. Một nghiên cứu năm 2021 tại Mỹ cho thấy gần một nửa người chuyển giới từng bị từ chối chăm sóc y tế, hơn 68% người chuyển giới da màu từng chịu ngược đãi từ các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe. Khoảng 28% đã hoãn hoặc từ chối điều trị do sợ bị kỳ thị. Ở Việt Nam, theo nhà hoạt động Huỳnh Minh Thảo, điều này góp phần khiến nhiều người thuộc cộng đồng LGBT dù nhận thức rõ rủi ro nhưng vẫn chọn "bốc hơi" khỏi hệ thống, từ bỏ cả các ca cấp cứu cần thiết.

Khi thuốc bị bỏ dở, HIV nhanh chóng trỗi dậy, hệ miễn dịch suy kiệt, các bệnh nhiễm trùng cơ hội dễ dàng cướp đi mạng sống của người bệnh. Trường hợp họ quay lại điều trị, phác đồ đã không còn hiệu quả như trước, tỷ lệ thất bại cao hơn, kinh phí điều trị tốn kém, và nguy cơ lây nhiễm mới trong cộng đồng tăng lên.
Các chuyên gia đề xuất cần có các giải pháp từ cộng đồng và hệ thống y tế, đó là xây dựng một hệ sinh thái y tế thực sự an toàn, nhân văn, trong đó, nên tích hợp dịch vụ hỗ trợ tâm lý - tâm thần vào điều trị HIV như một phần bắt buộc, không phải tùy chọn.

"Điều quan trọng nhất không nằm ở việc hệ thống y tế có sẵn bao nhiêu công cụ, mà là người bệnh có đủ cảm giác được chấp nhận, được lắng nghe và được yêu thương để lựa chọn tiếp tục sống, tiếp tục điều trị", bác sĩ Dũng cho hay.

Người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị thì thông thường sau 6 tháng tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Khi đó, người này sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con. Nhờ đó, nhiều người nhiễm HIV vẫn lấy vợ, sinh con khỏe mạnh.

Bộ Y tế khuyến cáo những người chưa nhiễm HIV thuộc các nhóm nguy cơ cao như nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy... dùng dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc để ngừa bệnh. Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) sử dụng khi phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ, thường được áp dụng trong tình huống "tai nạn" như không sử dụng biện pháp an toàn, rách hay tuột bao cao su...

Bản đồ