Những dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm trở nặng
Khó thở, động kinh, yếu cơ, khó tiểu, sốt cao không giảm là những dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh cúm, cần nhập viện điều trị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có khoảng 3-5 triệu người mắc bệnh cúm mùa nặng. Trong đó, khoảng 290.000-650.000 người tử vong do biến chứng nghiêm trọng của cúm.
TS.BS. Đặng Thị Mai Khuê, Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người mắc bệnh cúm thường hồi phục trong vòng một đến hai tuần, song một số trường hợp cũng có thể diễn tiến nặng, cần nhập viện điều trị. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm.
Khó thở hoặc thở gấp
Khó thở, thở nhanh hoặc nông là dấu hiệu viêm phổi hoặc suy hô hấp - biến chứng nguy hiểm của cúm. Những triệu chứng hô hấp nghiêm trọng khác cũng cần chú ý như ho ra máu, khò khè...
Đau ngực dai dẳng, cảm giác tức ngực hoặc bụng
Đau tức ngực hoặc bụng, kết hợp với khó thở có thể do viêm phổi hoặc vấn đề tim mạch. Trong nhiều trường hợp, viêm cơ tim do cúm biểu hiện thông qua triệu chứng điển hình như sốt cao, mỏi cơ, đau nhức đầu, chảy nước mắt, chảy nước mũi, tiêu chảy, kén ăn và khó thở. Sau 1-2 ngày, người bệnh bị khó thở nhiều cùng với dấu hiệu đánh trống ngực, đau ngực, đau tức vùng gan.
Một số người bệnh viêm cơ tim mắc cúm có thể bị tái da, mạch đập nhanh nhỏ, sốc tim, huyết áp tụt nhanh hoặc không thể đo được. Các triệu chứng này nặng dần theo thời gian, nhanh chóng dẫn tới tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.
Chóng mặt dai dẳng, lú lẫn, không thể tỉnh táo
Các biểu hiện phổ biến của hệ thần kinh gồm suy giảm ý thức, co giật, khiếm khuyết thần kinh khu trú và bất thường khác ở hệ thần kinh trung ương. Đây là triệu chứng của bệnh não hoặc viêm não liên quan đến cúm.
Động kinh
Virus cúm có thể gây viêm não, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của người bệnh thông qua biểu hiện như kém tỉnh táo, mất tập trung, suy giảm khả năng ghi nhớ và thậm chí mất kiểm soát một số cơ nhất định, dẫn đến co giật. Những biến chứng này có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn, tàn tật. Theo bác sĩ Khuê, trẻ em và người mắc bệnh thần kinh mạn tính tiềm ẩn như động kinh, bại não dễ bị tổn thương nhất khi bị biến chứng viêm não do cúm.
Không đi tiểu hoặc giảm lượng nước tiểu
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây chóng mặt khi mắc cúm là mất nước. Khi sốt, cơ thể người bệnh mất nước qua mồ hôi, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Một số chủng cúm cũng góp phần gây mất nước, không đi tiểu.
Đau cơ nặng
Virus cúm tấn công hệ miễn dịch gây đau nhức toàn bộ cơ thể, nhất cơ, khớp, làm chậm quá trình phục hồi sức khỏe. Khi đau nhức cơ khớp diễn tiến nặng hơn, người bệnh bị suy yếu hệ miễn dịch cần được điều trị đặc hiệu sớm.
Yếu cơ nghiêm trọng hoặc mất thăng bằng
Cúm khiến người bệnh cảm thấy đau mỏi cơ, yếu, kiệt sức, dẫn đến khó giữ thăng bằng, chóng mặt khi di chuyển hoặc đứng. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng do virus cúm có thể ảnh hưởng đến tai trong, nơi điều chỉnh sự cân bằng, dẫn đến chóng mặt, cảm giác quay tròn.
Sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó lại tái phát hoặc nặng hơn. Nếu sốt hoặc ho không giảm hoặc tăng cao trên 39 độ C trong nhiều ngày không cải thiện có thể là dấu hiệu của virus cúm gây nhiễm trùng.
Bệnh mạn tính trở nặng hơn
Khi virus cúm tấn công, một số tế bào miễn dịch trong cơ thể được kích hoạt để chống lại và giảm lây lan virus. Phản ứng miễn dịch này có khả năng làm các tình trạng bệnh mạn tính như tiểu đường, hen suyễn và bệnh tim trầm trọng hơn.
Chẳng hạn người bị hen suyễn mắc bệnh cúm thường khó thở, có thể kích hoạt cơn hen cấp. Bệnh nhân cần tăng bậc điều trị hoặc trợ thở bằng các thiết bị chuyên dụng. Ở người bệnh tiểu đường, virus cúm kích thích cơ thể sản sinh hormone cortisol và adrenaline cản trở quá trình tiêu thụ insulin của tế bào, dẫn đến biến chứng nguy hiểm rối loạn nội tiết, chuyển hóa.
Bác sĩ Mai Khuê giải thích viêm phổi là biến chứng cúm nghiêm trọng có thể do nhiễm virus cúm đơn thuần hoặc do nhiễm đồng thời vi khuẩn. Viêm phổi do cúm có thể diễn tiến nhanh cấp tính. Lúc này, người bệnh được điều trị thuốc đôi khi không đáp ứng kịp. Các biến chứng nghiêm trọng khác do cúm gây ra bao gồm viêm tim, viêm não hoặc mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân) và suy đa cơ quan.
Người nhiễm virus cúm ở đường hô hấp có thể bị phản ứng viêm mạnh trong cơ thể, dẫn đến nhiễm trùng huyết. Bác sĩ Mai Khuê khuyến cáo cách tốt nhất để phòng ngừa là tiêm vaccine cúm. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vaccine cúm hàng năm.