Nhiễm trùng sau thay khớp háng
TP HCMÔng Hữu, 52 tuổi, thay khớp một năm nhưng vết mổ vẫn sưng, chảy mủ, phải phẫu thuật loại bỏ mô hoại tử, tháo bỏ khớp cũ và thay mới.
Ông Hữu bị hoại tử chỏm xương đùi, thay khớp háng tại bệnh viện địa phương nhưng biến chứng nhiễm trùng. Ông được mổ cắt lọc phần nhiễm trùng và điều trị kháng sinh, song tình trạng không giảm, vết mổ tiếp tục chảy mủ, dùng thuốc giảm đau kháng viêm liên tục.
Tương tự, bà Hạnh, 66 tuổi, bị thoái hóa khớp gối giai đoạn cuối, thay khớp nhân tạo cách đây 3 năm, nhưng thường xuyên tái phát nhiễm trùng vết mổ, gây đau, sốt, rò dịch kéo dài. Bà phải phẫu thuật thêm hai lần điều trị nhiễm trùng, giữ lại khớp nhân tạo.
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thay khớp, nhất là khớp gối và khớp háng, là phẫu thuật lớn vì đây là những khớp đóng vai trò quan trọng, tham gia vào hầu hết hoạt động của cơ thể (đi, đứng, ngồi, chạy...). Quá trình phẫu thuật, bác sĩ phải đi qua nhiều lớp da, gân, cơ... để can thiệp sâu vào bên trong cơ thể bệnh nhân nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các biến chứng như chảy máu, tắc mạch, tổn thương thần kinh...
"Nhiễm trùng sau thay khớp là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất", bác sĩ Học nói. Nguy cơ xảy ra khá thấp (dưới 2%), song tình trạng này có thể do nhiễm khuẩn trong phòng mổ, kỹ thuật mổ không phù hợp, tình trạng sức khỏe của người bệnh, chăm sóc sau phẫu thuật không đúng cách... Trong khi đó, nhiễm trùng sau thay khớp khó điều trị, tốn kém, thời gian phục hồi lâu, làm suy giảm sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Trường hợp nghiêm trọng, vi khuẩn có thể lan vào máu, gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Phác đồ điều trị phổ biến cho nhiễm trùng sau thay khớp nhân tạo là phẫu thuật cắt lọc và thay lại khớp hai thì. Sau khi thực hiện các chẩn đoán như chụp X-quang, xét nghiệm máu, chọc hút dịch khớp..., ông Hữu và bà Hạnh được chỉ định thực hiện hai ca phẫu thuật.
Ở ca mổ đầu tiên, bác sĩ cắt lọc các mô viêm và hoại tử, tháo toàn bộ khớp nhân tạo cũ, rửa áp lực cao để làm sạch ổ khớp. Sau đó, trám xi măng kháng sinh nhằm tạm thời thay thế khớp nhân tạo, cố định tạm thời khớp bằng nẹp chỉnh hình và điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch trong 4-6 tuần. Khi vết mổ liền tốt, xét nghiệm bạch cầu, máu lắng, CRP trong giới hạn bình thường cho thấy ổ nhiễm trùng đã được điều trị triệt để, người bệnh bước vào ca mổ thứ hai để thay khớp nhân tạo mới.
Ông Hữu được thay khớp háng bằng đường mổ lối sau nhằm bộc lộ rõ khớp háng. Trong khi đó, bà Hạnh được thay bằng kỹ thuật gióng trục cơ học giúp phục hồi lại dáng đi. Hai ngày sau, ông Hữu có thể tự đứng dậy và đi lại. Còn bà Hạnh bị nhiễm trùng nhiều năm, gây tiêu xương nên cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Ngày thứ 5 sau mổ, bà có thể tự đi lại. Các bài tập phục hồi chức năng được cá nhân hóa và thận trọng hơn so với thay khớp thông thường phòng tái nhiễm và bảo vệ khớp mới.
Ngoài tuân thủ tập phục hồi chức năng, người bệnh cần chăm sóc sau mổ cẩn thận theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tái khám định kỳ hoặc đi khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, cảnh báo nhiễm trùng sau phẫu thuật như đau, nóng, sưng, đỏ, khó cử động hoặc chảy dịch tại vị trí vết mổ; sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, nhịp tim tăng nhanh...
Bác sĩ Học khuyến cáo người bệnh nên lựa chọn các cơ sở uy tín, có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia và trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại đảm bảo hiệu quả, an toàn cao. Hiện, các ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đều được thực hiện trong phòng mổ Hybrid vô khuẩn hiện đại. Bác sĩ thay khớp háng bằng đường mổ phía trước ngoài ABMS, đường mổ SuperPATH, Anterior Path, đường mổ trước trực tiếp... hoặc thay khớp gối bằng kỹ thuật gióng trục động học, cơ học. Đây là những kỹ thuật ít xâm lấn, hạn chế tổn thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng.