Người khám ung thư tại TP HCM tăng nhanh

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người khám ung thư tại TP HCM tăng nhanh

Người khám ung thư tại TP HCM tăng nhanh
Bệnh viện Ung bướu TP HCM ghi nhận 9 tháng đầu năm, lượt khám ung thư tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, khoảng 4.500-4.700 bệnh nhân một ngày.

"Năm ngoái bệnh viện đón hơn 720.000 lượt khám chữa bệnh với khoảng 82% người đến từ các tỉnh thành khác, trong khi tỷ lệ này trước đây là 75%", TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP HCM, nói tại Lễ ký kết hợp tác nâng cao chất lượng quản lý và phòng chống bệnh ung thư, giữa bệnh viện và Mecrk Healthcare Việt Nam, ngày 19/10.

Theo bác sĩ Tuấn, nguyên nhân khiến lượt khám chữa bệnh ung thư tăng là tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao, trong bối cảnh dân số tăng, tuổi thọ trung bình tăng. Bởi, càng lớn tuổi, thời gian tích tụ và phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ càng nhiều, thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người tăng, các chính sách của bảo hiểm y tế ngày càng tốt hơn, ý thức của người dân được nâng cao, hạ tầng giao thông phát triển... cũng góp phần khiến ngày càng nhiều người tiếp cận việc khám, điều trị bệnh.

Chưa kể, y học phát triển không ngừng với nhiều phương tiện chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm, người dân có điều kiện sàng lọc sớm nên số người được phát hiện bệnh tăng. Nhờ các phương pháp điều trị ngày càng tiến bộ, thời gian sống còn của bệnh nhân cao, lượt tái khám ung thư cũng nhiều lên.
Bên cạnh các yếu tố nguy cơ gây ung thư như di truyền, môi trường sống, ô nhiễm không khí và nước, những thói quen không lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn uống và sinh hoạt không điều độ cũng góp phần gây bệnh. Chẳng hạn, khẩu phần ăn ít rau quả, quá nhiều đạm mỡ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và nhiều ung thư khác. Tiêu thụ nhiều dưa muối chứa nitrat, nitrit dễ gây ung thư thực quản, dạ dày. Ăn thực phẩm mốc chứa aflatoxin gây ung thư gan.

Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh ngày càng tăng, thời gian qua bệnh viện triển khai nhiều giải pháp như nhận bệnh nhân từ 5h sáng, tăng số ca xạ trị bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khoảng 22h. Nơi này cũng triển khai các biện pháp giảm thời gian chờ mổ còn 1 đến 3 tuần, các bác sĩ mổ ngoài giờ hành chính và ngày thứ bảy...

Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết dự kiến tháng sau sẽ đưa vào hoạt động phòng khám tư vấn ung thư di truyền, giúp những người có người thân trong gia đình mắc ung thư được tư vấn, có kế hoạch tầm soát phòng ngừa sớm bệnh. Nơi này cũng sẽ xây dựng Trung tâm Tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao.

"Trước giờ chúng ta lo chăm sóc người bệnh mà bỏ quên người khỏe", bác sĩ Tuấn nói. Việc tầm soát ngay từ khi chưa có triệu chứng giúp có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm, việc điều trị nhẹ nhàng hơn, tăng cơ hội chữa khỏi hoàn toàn.

TP HCM đang phối hợp các tỉnh thành trong vùng triển khai khám sàng lọc, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ung thư thường gặp tại mỗi địa phương. Các nơi cùng hình thành Mạng lưới phòng chống ung thư vùng, chăm sóc bệnh nhân từ lúc tầm soát, phát hiện ung thư cho đến giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ, chăm sóc ở tuyến cuối và cộng đồng. Mạng lưới không chỉ ở TP HCM mà mở rộng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 người tử vong do ung thư. Tính chung ở cả hai giới, 5 loại ung thư đang dẫn đầu là vú, gan, phổi, dạ dày và trực tràng. Năm 2022, tỷ suất mắc mới ung thư ở Việt Nam xếp thứ 90 trên 185 quốc gia, song tỷ suất tử vong đứng vị trí 50 và ngày càng tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Nguyên nhân được cho là nhiều người phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên tử vong cao.

Người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, tập luyện thể dục đều đặn... Tiêm vaccine phòng bệnh. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Chủ động tầm soát ung thư sớm theo khuyến cáo về nhóm tuổi và nhóm nguy cơ.

Bản đồ