Người bệnh tim mạch, tiểu đường có ăn được bánh chưng?

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người bệnh tim mạch, tiểu đường có ăn được bánh chưng?

Người bệnh tim mạch, tiểu đường có ăn được bánh chưng?
Người bệnh tim, tiểu đường chỉ nên ăn phần nhỏ bánh chưng kèm rau xanh hay dưa cải, sau khi ăn cần giảm lượng thức ăn trong bữa chính, đi bộ 30 phút và không ăn bánh chiên.

Theo BS.CK1 Trần Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Tim mạch IV, Khoa Nội tim mạch - Chuyển hóa, Bệnh viện Tim Tâm Đức, bánh chưng là một loại bánh truyền thống được người Việt Nam thường làm vào Tết Nguyên đán để cúng tổ tiên, từ đó thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên và đất trời.

Thành phần dinh dưỡng của bánh chưng

Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn. Trong đó, gạo nếp thuộc nhóm thực phẩm tinh bột, còn đậu xanh và thịt lợn thuộc nhóm đạm và mỡ.

Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), một chiếc bánh chưng 1 kg trung bình được gói trong ngày Tết sẽ có 500g gạo nếp, 100 g đậu xanh, 100 g thịt heo nhiều mỡ và 5 g củ hành tươi.

Thành phần dinh dưỡng của bánh chưng như trên sẽ là protid 79,55 g, lipid 47,2 g, glucid 427,84 g, muối khoảng 7,13 g (canxi 0,233 g, photpho 1,025 g, sắt 0,016 g...), vitamin A 0,081 mg, vitamin B1 1,68 g, vitamin B2 0,43 mg, vitamin PP 13,21 mg...

Bánh chưng ảnh hưởng bệnh nhân tim mạch, tiểu đường thế nào

Bánh chưng rất giàu dinh dưỡng, cung cấp một nguồn năng lượng dồi dào. Một chiếc bánh chưng trung bình có trọng lượng khoảng 1 kg, tương đương 1.810 Kcal. Một phần nhỏ (1/8 chiếc bánh chưng) sẽ cung cấp 226 Kcal.

Lượng calo trong 1 chiếc bánh chưng tương đương với 10 chén cơm trắng, 36 cái bánh dày nhân đậu xanh nhỏ, hoặc 5 tô phở. Do đó, đối với người bình thường, ăn nhiều bánh chưng có thể làm tăng cân và tăng nguy cơ tim mạch, do lượng thịt heo chứa mỡ làm tăng cholesterol máu. Ăn kèm với dưa hành, dưa kiệu chứa nhiều muối cũng làm tăng huyết áp.

Ở người đái tháo đường, ăn nhiều bánh chưng càng nguy hiểm hơn vì có thể làm đường huyết tăng cao, gây biến chứng nghiêm trọng.
Nên ăn bánh chưng thế nào để an toàn cho sức khỏe?

Tiêu thụ có chừng mực: chỉ nên ăn phần nhỏ bánh chưng (1/8 bánh chưng bằng 1 chén cơm). Sau khi ăn bánh chưng, cần giảm lượng thức ăn trong bữa chính còn lại để không vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Nên tự làm bánh chưng tại nhà với các nguyên liệu tự nhiên, có thể giảm bớt phần gạo nếp, thay bằng thịt nạc heo, ướp thịt với ít gia vị. Ăn kèm với các loại rau xanh, dưa cải chua.

Không nên ăn bánh chưng chiên. Vì bánh chưng vốn dĩ đã chứa nhiều chất béo từ thịt mỡ, là thành phần chính trong nhân bánh. Khi chiên lên sẽ làm tăng đáng kể tổng lượng chất béo gây nguy cơ tăng cholesterol máu và ảnh hưởng đến tim mạch. Đặc biệt, với người mắc bệnh tim, tiểu đường, việc ăn bánh chưng chiên càng không được khuyến khích do có thể làm tăng huyết áp và đường huyết.

Sau khi ăn, nên đi bộ 30 phút để hỗ trợ tiêu hóa và cần tập luyện thường xuyên để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Lưu ý về dinh dưỡng ngày Tết cho bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường

Đối với người bệnh tim mạch

Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, ví dụ như thịt ba chỉ, da gia cầm (da gà, da vịt) và da động vật (da heo).
Hạn chế các loại thịt được bảo quản hoặc ướp muối, chẳng hạn như cá muối, lạp xưởng và xíu mại.
Ưu tiên nấu bữa ăn nhiều rau xanh, với cách chế biến như luộc, hấp hoặc xào ít dầu.
Chọn loại thịt có hàm lượng chất béo thấp hoặc các loại thịt thay thế như cá, hải sản và ăn ở mức vừa phải.
Sử dụng nguồn đạm thực vật như đậu hũ, đậu nành, các loại đậu.
Nên tự nấu ăn ở nhà để kiểm soát lượng gia vị.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường

Giảm lượng đồ ngọt: Hạn chế các loại bánh chứa nếp, thực phẩm giàu tinh bột và carbohydrate như gạo, bánh mì trắng và mì. Đối với đồ uống, hãy uống nước lọc hoặc nước trà không đường thay vì rượu hoặc nước ép trái cây.
Ăn nhẹ trước: Nên ăn nhẹ bằng các loại hạt hoặc yến mạch trước khi đến thăm nhà bạn bè hoặc họ hàng. Điều này giúp tránh cảm giác đói và không ăn quá nhiều thức ăn tại bữa tiệc.
Ăn nhiều rau xanh và trái cây ít đường, cố gắng ăn theo quy tắc đĩa thức ăn gồm 1/2 đĩa rau xanh, 1/4 đĩa đạm, 1/4 đĩa tinh bột.
Ăn chậm: Một cách để giảm lượng thức ăn nạp vào là ăn chậm, nhai kỹ hoặc chọn đĩa ăn nhỏ hơn nếu có thể.
Uống nước trước khi ăn để giúp dạ dày no hơn, hạn chế cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, uống nước giúp giữ đủ nước giữa các bữa ăn và loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Tránh thức ăn nhiều chất béo.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó nên quan tâm và theo dõi sức khỏe hằng ngày.

Bản đồ