Loãng xương ngày càng trẻ hóa
TP HCMCô gái 29 tuổi bị gãy cổ xương đùi, bác sĩ phát hiện "thủ phạm" là bệnh loãng xương, phải điều trị căn nguyên gốc rễ để ngừa gãy tái phát.
Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, có biến chứng rối loạn chuyển hóa xương. Sau phẫu thuật gãy cổ xương đùi, cô trải qua các xét nghiệm đánh giá loãng xương, phải dùng thuốc điều trị bên cạnh duy trì chạy thận. Sau hơn một năm, các chỉ số về mật độ xương đang dần cải thiện.
"Trường hợp này chỉ số loãng xương rất nặng, nếu không phát hiện và kiểm soát kịp thời bệnh nhân có khả năng tiếp tục gãy xương trong một vài tháng khi có va chạm dù nhỏ", PGS.TS.BS Võ Thành Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, nói.
Theo phó giáo sư Toàn, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 100-200 trường hợp gãy xương do loãng xương, có xu hướng tăng. Trước đây, bệnh chủ yếu gặp ở người trên 50-60 tuổi, song ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh những người loãng xương do biến chứng từ các bệnh lý đi kèm, tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc điều trị, vẫn có một số người 30-40 tuổi gặp tình trạng này dù không có bệnh đồng mắc. Bệnh xảy ra ở cả nam lẫn nữ, chứ không chỉ riêng ở nữ như nhiều người lầm tưởng.
Loãng xương được xem là "căn bệnh thầm lặng" vì diễn tiến âm thầm, không triệu chứng, lâu dần ảnh hưởng khả năng vận động, đe dọa chất lượng sống. Bệnh xảy ra do sự suy giảm khối lượng chất khoáng trong xương và tổn thương vi cấu trúc của tổ chức xương, làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Các dấu hiệu thường gặp là đau lưng đột ngột, giảm chiều cong lưng, dễ gãy xương ngay cả khi va chạm nhẹ. Bệnh nhân loãng xương nếu bị gãy xương sẽ tăng nguy cơ tử vong lên 3-5 lần so với không loãng xương, gia tăng gánh nặng điều trị.
Tầm soát mật độ xương của gần 100.000 người Việt Nam do Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp thực hiện năm 2023-2024, cho thấy 50% người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ loãng xương và 27% đã loãng xương. Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ từ 50 tuổi lên đến 33%. Một số thống kê ước tính khoảng 10% nữ giới tuổi 20-50 và 7% nam giới độ tuổi này bị loãng xương. Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ loãng xương cao trên thế giới.
Ở người trẻ tuổi, loãng xương có thể xảy ra do một số bệnh lý làm giảm khả năng hấp thu canxi, các bệnh nội tiết, suy thận, bệnh xương khớp mạn tính... Ngoài ra, bệnh có thể xuất phát từ những thói quen như ít tiếp xúc ánh sáng mặt trời, lười vận động, sử dụng rượu bia, thuốc lá, dùng một số thuốc điều trị...
"Bệnh loãng xương đang trẻ hóa, triệu chứng lại âm thầm nên không chỉ bệnh nhân già mà ngay cả những người trẻ có gãy xương bất thường cũng cần nghi ngờ tầm soát", phó giáo sư Toàn nói.
Theo ThS.BS Hoàng Quốc Nam, phụ trách Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Thống Nhất, việc điều trị loãng xương bao gồm tập luyện và ăn uống, dùng canxi và vitamin D, dùng thuốc chống hủy xương. Những yếu tố này phải phối hợp cùng nhau mới giúp việc điều trị thành công.
"Bệnh nhân loãng xương cần được quản lý, điều trị lâu dài bởi nhiều chuyên khoa, không phải một vài tháng mà thường 3-5 năm mới thay đổi về mật độ xương", bác sĩ nói. Những thói quen như vận động thể lực hàng ngày, ăn cá nhỏ nguyên xương... giúp ích rất lớn cho điều trị.
Theo Tổ chức Loãng xương quốc tế, việc đo mật độ xương cần được thực hiện bằng phương pháp DEXA ở các vị trí, tính ra chỉ số T score. Một số phương pháp khác như siêu âm đo gót chân thường có sai số lớn. Hiện, nhiều nơi đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh để phát hiện loãng xương.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người tăng cường vận động, hoạt động thể dục thể thao đều đặn, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hạn chế bia rượu... để phòng ngừa loãng xương. Phụ nữ giai đoạn mang thai, cho con bú cần bổ sung canxi. Người có bệnh lý đi kèm hoặc dùng một số loại thuốc cần chú ý nguy cơ loãng xương để tầm soát, xử trí kịp thời.