Khó gấp duỗi ngón tay cảnh báo viêm bao gân

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khó gấp duỗi ngón tay cảnh báo viêm bao gân

Khó gấp duỗi ngón tay cảnh báo viêm bao gân
Đau nhức, khó gập duỗi ngón tay là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm bao gân gấp ngón tay, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày.

Gân là bộ phận nối giữa xương và cơ, giúp truyền lực cho các hoạt động từ cơ đến khớp, xương, có vai trò quan trọng trong hoạt động của các khớp. Bao gân là lớp màng bảo vệ bên ngoài gân, có nhiệm vụ tiết hoạt dịch để hỗ trợ các hoạt động của gân được trơn tru. Khi gân bị tổn thương, bao gân không tạo đủ hoạt dịch, dẫn đến viêm sưng đau, hạn chế vận động. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc nhiều ngón cùng lúc, dẫn đến viêm gân và bao gân.

Người làm các công việc phải sử dụng ngón tay nhiều, thường xuyên lặp lại những động tác vặn véo, nắm chặt... như nội trợ, giáo viên, nông dân, thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, thợ thủ công dễ bị viêm bao gân ngón tay.

ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư, khoa Nội Cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau là triệu chứng thường gặp nhất và là triệu chứng duy nhất ở giai đoạn đầu. Đau thường xảy ra tại gốc ngón tay (thường gặp ở ngón cái, ngón đeo nhẫn) hoặc vị trí tiếp xúc giữa ngón tay với lòng bàn tay, đau nhiều vào buổi sáng và khi ấn vào. Khi bệnh tiến triển, ngón tay đau nhiều hơn, khó gấp duỗi, gập vào không tự duỗi ra được, gọi là ngón tay lò xo.
Hầu hết trường hợp viêm bao gân ngón tay thường chỉ gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, ít để lại biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn, như ngón tay có thể bị dính cứng không tự duỗi ra được, gây đau và hạn chế vận động.

Mục tiêu chính trong điều trị viêm bao gân là giảm đau và kháng viêm. Người bệnh được ưu tiên điều trị bằng nội khoa với các biện pháp như nghỉ ngơi, hạn chế vận động, nẹp cố định ngón tay, thực hiện bài tập kéo giãn nhẹ nhàng để làm giảm độ cứng và cải thiện phạm vi chuyển động của các ngón tay, dùng thuốc giảm đau kháng viêm theo đường uống hoặc đường tiêm...

Nếu các phương pháp trên không đem lại hiệu quả cải thiện tích cực, bác sĩ chỉ định phẫu thuật can thiệp để giải phóng bao gân, giúp gân gấp không bị chèn ép và ngăn chặn tình trạng cứng khớp vĩnh viễn.
Theo bác sĩ Thư, viêm bao gân ngón tay có thể phòng ngừa. Trong sinh hoạt hằng ngày, mọi người nên tránh thực hiện quá nhiều lần các động tác cầm nắm hoặc sử dụng các loại thiết bị, máy móc tạo độ rung. Thực hiện bài tập kéo giãn nhẹ nhàng để tăng cường sức mạnh cho cổ tay và ngón tay, cầm nắm các dụng cụ thể thao có kích thước vừa vặn. Nghỉ ngơi đầy đủ, nhất là đôi tay, tăng cường vitamin C và canxi trong chế độ ăn.

Khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh, người bệnh nên đi khám sớm, giúp nhanh chóng hồi phục, tránh biến chứng.

Bản đồ