Giảm 21 kg ngăn biến chứng tiểu đường

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giảm 21 kg ngăn biến chứng tiểu đường

Giảm 21 kg ngăn biến chứng tiểu đường
TP HCMChị Phương, 44 tuổi, mắc bệnh tiểu đường 5 năm, cân nặng tăng nhanh khiến đường huyết khó kiểm soát, giảm 21 kg góp phần ngăn biến chứng.

Chị Trương Diệp Phương thuộc tạng người dễ tăng cân. Gần đây khớp gối đau nhức, chị đi khám phát hiện đường huyết tăng 17,5 mmol/L, tức gấp 4 lần bình thường. Bác sĩ ở một bệnh viện khuyến cáo giảm cân để tránh biến chứng đường huyết ảnh hưởng lên tim, mắt, bàn chân.

Thời điểm kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chị Phương cao 1,76 m, nặng 114 kg, BMI 36,8 kg/m2. Ngày 18/1, tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết chị bị béo phì độ hai, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường type 2, chỉ số đường huyết trung bình trong ba tháng là 10,8%, gấp đôi bình thường.

Bác sĩ Hoàng giải thích một trong những tác động lớn nhất của béo phì là gia tăng tình trạng kháng insulin. Đây là yếu tố chính khiến đường huyết ở người bệnh tiểu đường khó kiểm soát. Người bệnh cần dùng insulin liều cao hơn mới có thể đáp ứng điều trị. Tăng cân làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị tiểu đường, thúc đẩy phát triển các biến chứng tim mạch, huyết áp cao, bệnh thận, tổn thương thần kinh...

Lượng mỡ thừa còn tạo áp lực lớn lên hệ xương khớp, nhất là khớp gối, khiến các sụn khớp bị bào mòn nhanh. "Giảm cân là giải pháp tối ưu, góp phần giải quyết các tình trạng trên của chị Phương", bác sĩ Hoàng nói, thêm rằng chị cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể để kiểm soát đường huyết, kết hợp điều trị tiểu đường để đạt mục tiêu "2 trong 1".

Bác sĩ điều chỉnh thuốc kiểm soát đường huyết, thuốc tiêm để giảm cân hàng ngày. Thuốc giảm cân có tác dụng giảm cảm giác đói và thèm ăn, giúp người bệnh ăn ít hơn. Một tháng đầu tiên, chị Phương giảm 2 kg, đường huyết và huyết áp ổn định duy trì ở mức ổn định. Ở giai đoạn tiếp theo, chị được điều chỉnh chế độ ăn giảm tinh bột, hạn chế đồ ngọt, dầu mỡ và tăng cường vận động nhẹ nhàng.
Sau 10 tháng, người bệnh giảm 21 kg, chỉ số BMI giảm còn 30 kg/m2, HbA1c dưới 7%, gần đến mức bình thường, đường huyết đo tại nhà ổn định hơn. Các chỉ số lipid máu cũng được cải thiện đáng kể. Mục tiêu của chị là giảm về mức 65-71 kg.

Theo bác sĩ Hoàng, cân nặng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và phòng bệnh tiểu đường type 2. Người bệnh tiểu đường nên duy trì BMI 18,5 kg/m2 đến dưới 23 kg/m2 và vòng eo của nữ dưới 80 cm, 90 cm với nam. Cân nặng lành mạnh không chỉ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thừa cân như cao huyết áp, rối loạn lipid máu, thoái hóa khớp gối.

Bản đồ