Dấu hiệu trẻ nhiễm vi khuẩn HP

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dấu hiệu trẻ nhiễm vi khuẩn HP

Dấu hiệu trẻ nhiễm vi khuẩn HP
Đau bụng âm ỉ, giảm cân, ăn không ngon, suy dinh dưỡng có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị nhiễm HP dạ dày.

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) sinh sống và phát triển trong dạ dày. HP có khả năng xuyên qua lớp chất nhầy bảo vệ của dạ dày, sản sinh ra enzym gây viêm, loét, làm tổn thương mô dạ dày và tá tràng.

ThS.BS Lê Thị Lan Anh, Phó khoa khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết mọi người đều có nguy cơ nhiễm khuẩn HP. Tỷ lệ mắc bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, khu vực địa lý, thói quen sinh hoạt, chất lượng sống. Vi khuẩn này thường xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống nên thường gặp ở người sống trong môi trường kém vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Hầu hết trẻ nhiễm HP trong nhiều năm mà không có biểu hiện", bác sĩ Lan Anh nói. Triệu chứng thường xuất hiện khi vi khuẩn gây viêm niêm mạc dạ dày. Dấu hiệu nhiễm HP dạ dày ở trẻ thường dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa thông thường, dẫn đến phát hiện bệnh muộn, gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống.

Bác sĩ Lan Anh chỉ ra một số dấu hiệu nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ dễ bỏ qua.

Đau bụng

Triệu chứng đau bụng xuất hiện do tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Cơn đau thường âm ỉ, dai dẳng, tập trung nhiều ở vùng thượng vị (trên rốn), tăng nặng trước hoặc sau ăn kèm theo ợ hơi, ợ chua. Trẻ cũng có thể xuất hiện cảm giác nóng rát kèm đau dạ dày. Phụ huynh có thể làm dịu cơn đau cho trẻ bằng cách cho con ăn nhẹ các món dễ tiêu hóa hoặc uống thuốc kháng axit theo chỉ định của bác sĩ.

Buồn nôn, nôn

Trẻ liên tục có dấu hiệu buồn nôn, nôn, nhất là vào buổi sáng hoặc sau khi ăn. Vi khuẩn HP có thể khiến hệ tiêu hóa sinh khí, gây ứ đọng thức ăn, tạo áp lực trong dạ dày, dẫn đến cảm giác buồn nôn nhằm giảm áp lực. Nhiễm HP cũng khiến trẻ dễ bị chướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, suy dinh dưỡng. Nôn ói có thể xảy ra do nghẹt mũi, ho, viêm đường hô hấp nên dễ bị bỏ qua.

Giảm cân, ăn không ngon

Theo bác sĩ Anh, biếng ăn, sụt cân là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, phụ huynh ít khi nghĩ đến nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên, khó chịu ở dạ dày có thể khiến trẻ ăn không ngon, mất cảm giác thèm ăn, luôn trong trạng thái mệt mỏi. Thể trạng gầy ốm, suy dinh dưỡng do sụt cân không mong muốn. Khi quá trình viêm diễn ra mạnh mẽ gây đau dạ dày, trẻ có thể chán ăn kèm giảm cân nhanh.
Đầy hơi, khó tiêu, rối loạn tiêu hoá

Nhiễm HP khiến trẻ bị căng đầy bụng và khó tiêu, cảm giác thường xảy ra sau khi ăn. Trẻ có thể bị ợ hơi, ợ chua thường xuyên, gây khó chịu ở ngực và cổ họng, viêm đường hô hấp tái phát dai dẳng. Trẻ cũng có thể có các triệu chứng như tiêu chảy hoặc táo bón, hơi thở có mùi hôi khó chịu.

Xuất huyết tiêu hóa

Vi khuẩn HP gây viêm tại đường tiêu hóa một thời gian dài, dẫn đến loét nặng và xuất huyết tiêu hóa (chảy máu dạ dày). Biểu hiện thường thấy là nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen. Mất máu kéo dài khiến trẻ thiếu máu, xanh xao, nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt. Ngoài ra, trẻ có thể gặp các triệu chứng khác như phát ban ở da, đau khớp hoặc các triệu chứng khác do phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm khuẩn.

Hiện có nhiều phương pháp xét nghiệm tìm khuẩn HP trong dạ dày trẻ em, chia làm hai nhóm cần nội soi dạ dày (test nhanh, nhuộm soi trực tiếp, PCR hoặc nuôi cấy qua mảnh sinh thiết dạ dày) và không cần nội soi dạ dày test thở, test phân hoặc làm xét nghiệm máu. Tùy tình trạng bệnh, tùy mục tiêu và độ tuổi, bác sĩ chỉ định phương pháp phù hợp.

Bác sĩ Lan Anh cho biết tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP ở Việt Nam cao. Trẻ nhỏ có nguy cơ nhiễm khuẩn từ bố mẹ cao hơn do các thói quen như hôn môi trẻ, mớm thức ăn cho con... Gia đình có người bị HP hoặc trẻ có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm loại vi khuẩn này như đau bụng thường xuyên, nôn nhiều, đầy hơi, chậm lớn, cần đi khám sớm.

Viêm loét dạ dày do HP ở trẻ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, xơ hóa gây cản trở lưu thông thức ăn thoát ra khỏi dạ dày. Để hạn chế nguy cơ, cha mẹ nên tạo cho con thói quen vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch.

Bản đồ