Có nên dùng tỏi để hạ huyết áp?
Nhiều năm tôi bị tăng huyết áp và mỡ máu, nhiều người cho rằng có thể sử dụng tỏi để làm hạ huyết áp, thực tế có hiệu quả? (Nhung, 40 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Tỏi ngoài được sử dụng làm thực phẩm, còn là một trong những loại thuốc truyền thống của y học cổ truyền thế giới. Tỏi có vị cay, tính ấm có tác dụng hành khí tiêu trệ, ôn vị kiện tỳ giúp giải độc giảm sưng, diệt ký sinh trùng, ngăn ngừa kiết lỵ, thông khí, trừ ứ trệ, tiêu thực, làm ấm vị, bổ tỳ. Các hoạt chất có trong tỏi (đặc biệt allicin) có thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, kháng khuẩn, kháng virus từ đó hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan viêm đường hô hấp, cảm cúm.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu cho thấy tỏi có lợi ích trong việc hạ huyết áp, nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy tỏi có thể thay thế các loại thuốc hạ huyết áp thường được kê đơn. Bằng chứng nghiên cứu còn hạn chế và chưa thống nhất nên các hiệp hội uy tín về tim mạch không khuyến cáo sử dụng tỏi để điều trị tăng huyết áp.
Ăn quá nhiều tỏi có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, ruột và gây khó chịu như ợ hơi, ợ chua, hôi miệng. Do đó, nên sử dụng tỏi ở mức độ vừa phải trong chế độ ăn hằng ngày và có thể chọn ăn sống hoặc nấu chín tùy theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe.
Tỏi là thực phẩm hỗ trợ sức khỏe tim mạch, nhưng không thay thế thuốc. Để kiểm soát huyết áp và mỡ máu, cần tuân thủ thuốc bác sĩ kê đơn, ăn nhạt, giảm chất béo xấu, tăng rau xanh, trái cây, tập thể dục 30 phút mỗi ngày, duy trì cân nặng lý tưởng, khám định kỳ để theo dõi sức khỏe. Nếu muốn bổ sung tỏi vào chế độ ăn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn, phù hợp với tình trạng bệnh.