Chảy máu cam do con đỉa ký sinh trong mũi
Hà NộiAnh Hùng, 41 tuổi, đau rát và nghẹt một bên mũi, chảy máu cam không rõ nguyên nhân, bác sĩ phát hiện con đỉa dài 5 cm đang ký sinh bên trong.
Ba tuần trước khi xuất hiện dấu hiệu bất thường, anh Hùng đi du lịch ở miền núi phía Bắc tắm và uống nước suối. Kết quả nội soi mũi của anh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho thấy sinh vật còn sống dài khoảng 5 cm bám chắc vào niêm mạc mũi, hốc mũi phù nề, một số điểm chảy máu.
ThS.BS Nguyễn Chí Trung, khoa Tai Mũi Họng, gây tê cho anh Hùng, gắp ra con đỉa suối (còn gọi là con tắc te). Loài đỉa này thường sống trong môi trường nước ngọt như suối, hồ, đầm. Anh được vệ sinh mũi, xuất viện trong ngày.
Bác sĩ Trung giải thích sinh vật chui vào mũi, nằm ở các hốc xoang mũi có nguy cơ trở thành dị vật gây phù nề xuất tiết tắc nghẽn dẫn đến viêm mũi xoang. Các sinh vật như đỉa càng nguy hiểm hơn khi chúng còn sống vì có thể di chuyển từ mũi, miệng xuống thanh quản, khí quản hoặc chui sâu vào đường hô hấp như các nhánh phế quản. Khi đó, người bệnh có các triệu chứng ho theo cơn, khàn tiếng, khạc nhổ ra máu, khó thở. Nước bọt của chúng chứa chất hirudin, một loại protein ức chế quá trình đông máu, tạo điều kiện cho chúng hút máu dễ dàng hơn và lâu hơn. Nếu không sớm phát hiện và loại bỏ, đỉa sẽ hút máu trong thời gian dài gây thiếu máu, chảy máu mũi hoặc ho ra máu kéo dài.
Nhiều người chủ quan cho rằng "nước suối trong là sạch". Song theo bác sĩ Trung, đây có thể là môi trường sống lý tưởng của nhiều sinh vật ký sinh. Nếu uống hoặc tắm suối có thể khiến các sinh vật khó nhìn thấy bằng mắt thường xâm nhập vào cơ thể. Chúng thường nhỏ, mềm, không có cảm giác rõ ràng lúc xâm nhập.
Mọi người không nên uống nước trực tiếp từ sông, suối, ao, hồ, khe. Những người thường xuyên tắm suối, ao, hồ, nếu có những triệu chứng như ngạt tắc mũi, vướng họng kèm theo chảy máu mũi, ho khạc ra máu, khàn tiếng cần đi khám tai mũi họng để loại trừ sinh vật sống ở đường hô hấp trên.