Cắt tuyến tiền liệt chặn ung thư

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cắt tuyến tiền liệt chặn ung thư

Cắt tuyến tiền liệt chặn ung thư
TP HCMTuyến tiền liệt của ông Minh, 80 tuổi, to gấp 3 lần bình thường, bác sĩ phát hiện tế bào ác tính, nội soi cắt tận gốc để ngăn ung thư tiến triển.

Ông Minh, ngụ Đồng Nai, đi tiểu khó, tiểu đêm nhiều lần ba tháng nay. Kết quả xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) trong máu tăng cao, nghi ngờ do ung thư, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.

Ngày 13/6, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết thể tích tuyến tiền liệt của ông Minh khoảng 60 ml (bình thường 15-25 ml), có tổn thương nghi ung thư. Kết quả sinh thiết ghi nhận tế bào nang tuyến ác tính ở hai thùy, ung thư trong giai đoạn khu trú. Ở giai đoạn này, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc là một trong những phương pháp điều trị tối ưu.

Bác sĩ áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc để không gây ảnh hưởng đến ruột như phẫu thuật nội soi trong phúc mạc, giúp người bệnh hồi phục nhanh, giảm nguy cơ liệt ruột và tắc ruột sau mổ. Ê kíp tạo khoang tiền phúc mạc để đặt 4 ống nội soi dưới rốn theo hình vòng cung. Bơm khí CO2 vào vùng tiền phúc mạc tạo không gian mổ đủ rộng, dễ thao tác.

Quan sát trên màn hình nội soi, các bác sĩ phối hợp bóc tách, cắt trọn tuyến tiền liệt và vùng bao quanh. Ê kíp mổ tiếp tục nạo hạch bạch huyết xung quanh động mạch, tĩnh mạch chậu và thần kinh bịt (thần kinh cảm giác cho khớp gối, khớp hông và một số vùng da bao phủ bên trong đùi trên) nhằm bỏ triệt để tế bào ung thư. Cuối cùng, khâu nối niệu đạo sau vào cổ bàng quang, đặt ống thông tiểu.
Ca mổ diễn ra thuận lợi, ông Minh mất ít máu. Sau mổ, ông phục hồi nhanh, ăn uống và đi lại bình thường, được rút ống dẫn lưu, xuất viện sau ba ngày.

Trung bình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thực hiện 2-3 ca phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc do ung thư. Bác sĩ Cương cho biết đây là kỹ thuật mổ khó trong lĩnh vực tiết niệu do tuyến tiền liệt nằm sâu vùng bụng dưới, vùng mổ hẹp tập trung nhiều mạch máu, khâu nối không dễ dàng. Mục tiêu phẫu thuật không chỉ loại bỏ triệt để ung thư mà còn hạn chế thấp nhất mất máu, nguy cơ biến chứng, bảo tồn chức năng đi tiểu cho người bệnh. Ca phẫu thuật cần các bác sĩ giàu kinh nghiệm thực hiện.

Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (Globocan) thống kê năm 2022, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến thứ 4 trên thế giới và phổ biến thứ hai ở nam giới. Tại Việt Nam, có gần 6.000 ca mắc mới và 2.800 trường hợp tử vong.

Nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt chưa được xác định rõ. Nguy cơ mắc bệnh liên quan đến độ tuổi, chủng tộc, di truyền trong gia đình, môi trường sống tiếp xúc hóa chất độc hại...

Tùy theo giai đoạn và tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ điều trị phù hợp. Theo bác sĩ Cương, khả năng có thể chữa khỏi bệnh ở giai đoạn sớm bằng phẫu thuật hoặc xạ trị hơn 80-90%. Sau phẫu thuật cắt tận gốc tuyến tiền liệt, người bệnh chỉ cần tái khám theo dõi định kỳ mỗi ba tháng. Khi ung thư tiến triển tại chỗ, điều trị khó hơn nhiều, cần phối hợp các phương pháp như phẫu thuật và xạ trị và hoặc liệu pháp nội tiết. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, ung thư đã xâm lấn xung quanh hoặc di căn tới các cơ quan như xương, trực tràng, bàng quang... chỉ có thể điều trị giảm bệnh, giảm triệu chứng.

Ung thư tuyến tiền liệt tiến triển âm thầm ở nam giới lớn tuổi. Ở giai đoạn sớm, ung thư thường không biểu hiện, một số trường hợp có triệu chứng đường tiểu dưới do tuyến tiền liệt phình lớn. Khi người bệnh tiểu khó, tiểu máu, đau nhức vùng chậu, thận ứ nước... tức bệnh đã ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn.

Bác sĩ khuyến cáo nam giới từ 50 tuổi, có các triệu chứng trên cần kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt, nếu có người thân mắc bệnh, cần tầm soát sớm hơn 5 năm.

Bản đồ