Biến chứng do loãng xương

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biến chứng do loãng xương

Biến chứng do loãng xương
Gãy xương, lún đốt sống, gãy cổ xương đùi là những biến chứng có thể xảy ra khi một người bị loãng xương.

Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm dần theo thời gian, khiến xương giòn và dễ tổn thương, từ đó tăng nguy cơ gãy xương và nhiều bệnh lý cơ xương khớp khác dù chỉ với chấn thương nhẹ.

ThS.BS.CKI Ngô Tuấn Anh, chuyên khoa Nội cơ xương khớp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết loãng xương không nguy hiểm nhưng biến chứng từ tình trạng này có thể gây tàn phế, thậm chí là tử vong. Dưới đây là một số biến chứng thường gặp.

Gãy xương: Loãng xương càng cao thì nguy cơ gãy xương càng lớn. Lúc này, chỉ cần một sự va chạm nhẹ, cúi gập người hoặc ho, hắt hơi cũng có khả năng làm gãy xương. Xương cột sống, xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay, xương cẳng chân là các xương chịu lực tác động nhiều nhất trong cơ thể nên là những vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất.

Gãy lún đốt sống: Loãng xương khiến xương đốt sống không còn đủ cứng để hỗ trợ cột sống trong các hoạt động hàng ngày. Tình trạng này xảy ra có thể gây đau lưng cấp tính mức độ nặng, không thể di chuyển được.

Gãy lún đốt sống có thể chèn ép các rễ dây thần kinh hoặc thậm chí là tuỷ sống, dẫn đến yếu, liệt vĩnh viễn. Số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều có thể thúc đẩy tình trạng thoái hóa cột sống diễn tiến nhanh hơn. Sau khi bị gãy xương do loãng xương, người bệnh có thể bị gù vẹo cột sống hoặc thoát vị đĩa đệm.
Gãy cổ xương đùi: Đây là biến chứng nguy hiểm của loãng xương. Người bệnh gãy cổ xương đùi thường có biểu hiện đau cấp tính vùng bẹn sau một chấn thương nhẹ, đau mức độ nhiều làm giới hạn vận động. Nếu tình trạng này không được điều trị đúng, người bệnh có nguy cơ tàn phế cao và tăng nguy cơ tử vong.

Đau, nguy cơ tàn phế: Loãng xương dễ làm khởi phát hay tăng nặng các bệnh lý cơ xương khớp, gây đau nhức, hạn chế vận động và nguy cơ tàn phế vĩnh viễn. Người lớn tuổi khi bị gãy xương, xẹp đốt sống... thường phải nằm bất động trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn tới những biến chứng khác như viêm phổi, hoại tử, tắc mạch chi, loét tì đè..., đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Tuấn Anh cho biết những người có nguy cơ nên đo mật độ xương (BMD) định kỳ. Đây là cách phổ biến nhất để chẩn đoán loãng xương và đánh giá nguy cơ gãy xương. Kỹ thuật chụp DEXA dùng tia X giúp đo mật độ xương của người bệnh, nhất là ở cột sống thắt lưng, cổ xương đùi hoặc 1/3 dưới cẳng tay, mỗi lần khoảng 10 phút, không xâm lấn. Thông thường, mật độ xương càng cao thì xương càng chắc khỏe và nguy cơ gãy càng thấp. Ngược lại, nếu mật độ thấp hơn bình thường so với độ tuổi, người đó có nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Loãng xương thường gặp ở người từ tuổi trung niên, nhất là phụ nữ sau mãn kinh. Người có chế độ dinh dưỡng không khoa học, ít vận động hoặc có tiền sử mắc bệnh lý tuyến giáp, dùng corticosteroid, thuốc chống động kinh... trong thời gian dài cũng có nguy cơ cao.

Để làm chậm và phòng ngừa loãng xương, bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo người có nguy cơ cao cần đảm bảo ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung canxi và vitamin D. Không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích. Tập thể dục thường xuyên với cường độ phù hợp để xây dựng hệ xương chắc khỏe, tăng sự dẻo dai cho cơ bắp. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian thích hợp để hấp thụ vitamin D.

Khi xuất hiện các vấn đề cơ xương khớp (đau xương khớp, đau cơ bắp, chuột rút thường xuyên...), người bệnh nên đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý sử dụng thuốc.

Bản đồ