Biến chứng đái tháo đường có thể ập đến rất sớm
Anh Duy, 48 tuổi, giảm sút thị lực, tê hai bàn chân sau ba năm bệnh đái tháo đường, bác sĩ chẩn đoán biến chứng võng mạc và tổn thương thần kinh.
"Không ngờ mọi chuyện lại đến nhanh như vậy", anh nói. Do thị lực gây ảnh hưởng việc chạy xe công nghệ, anh vừa chuyển sang làm bảo vệ, thu nhập giảm sút trong khi đang là trụ cột kinh tế gia đình. Khi mới phát hiện bệnh, anh thấy bản thân vẫn khỏe nên chủ quan, chỉ uống thuốc vài tháng rồi bỏ hẳn, không đi tái khám.
Trường hợp xuất hiện biến chứng đái tháo đường trong một vài năm như anh Duy không phải hiếm gặp, trong bối cảnh bệnh đái tháo đường đang ngày càng gia tăng nhanh. Thậm chí, có người bệnh đi khám vì các biến chứng mới phát hiện mình mắc đái tháo đường. Như ông Hà, 55 tuổi, đi khám vì tê chân, nhiễm trùng bàn chân do vết loét lâu lành, mới biết đường huyết đã tăng rất cao, chức năng thận đã suy giảm. Trước đó, ông thường khát nước, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân nhưng không đi khám.
ThS.BS Hoàng Thị Bích Ngọc, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115, cho biết khá nhiều bệnh nhân đến khám chỉ vừa mới phát hiện đái tháo đường nhưng khi kiểm tra thì đã có tổn thương ở thận, ở đáy mắt, hoặc dấu hiệu tê bì do tổn thương thần kinh.
"Bệnh nhân khá bất ngờ vì luôn nghĩ bệnh này phải nhiều năm mới gây biến chứng, nhưng thật ra biến chứng có thể đã âm thầm bắt đầu từ trước đó rồi", bác sĩ nói.
Nghiên cứu hồi cứu công bố trên BMJ Open Diabetes Research & Care mới đây, thực hiện trên hơn 135.000 bệnh nhân mới được chẩn đoán đái tháo đường type 2. Kết quả, thời gian trung bình để xuất hiện biến chứng chỉ từ 3-5,2 năm. Trong đó, 12,3% người bệnh đã có biến chứng bệnh thận mạn ngay tại thời điểm được chẩn đoán đái tháo đường, còn biến chứng bệnh tim mạch chiếm 3,3%.
Liên đoàn Đái tháo đường thế giới năm 2025 ước tính toàn cầu ước tính có khoảng 589 triệu người mắc đái tháo đường, trong khi cách đây 10 năm số này chỉ khoảng 450 triệu. Đái đường làm tăng nguy cơ đột quỵ 52%, nhồi máu cơ tim 60%, bệnh mạch vành 73%. So với người bình thường, nguy cơ suy tim ở người đái tháo đường lên đến 84%.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, Chủ tịch Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP HCM, điều đáng sợ nhất không phải đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh mà chính là những biến chứng nguy hiểm của bệnh này, làm tổn thương nhiều cơ quan trên cơ thể. Bệnh thường không có dấu hiệu cảnh báo sớm, âm thầm gây suy thận, đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim... nếu không kiểm soát tốt đường huyết.
Đái tháo đường còn là thủ phạm gây mù do biến chứng võng mạc, đục thủy tinh thể, glaucoma... Sự gia tăng đường huyết nếu không kiểm soát tốt là nguyên nhân gây biến chứng thần kinh, dẫn đến tê bì, châm chích, đau rát ở tay chân, đặc biệt bàn chân. Nặng hơn, người bệnh có thể mất cảm giác, dẫn đến loét chân, nhiễm trùng, thậm chí phải cắt cụt chi. Ngoài ra, tổn thương thần kinh tự chủ có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa, huyết áp hoặc bàng quang.
Đái tháo đường không được điều trị tốt có thể biến chứng tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan ketone, toan lactic... Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ tử vong.
Theo bác sĩ Ngọc, có 3 nguyên nhân chính lý giải vì sao biến chứng đái tháo đường có thể xảy ra chỉ sau vài năm được chẩn đoán. Thứ nhất, do phát hiện bệnh trễ. Đái tháo đường type 2 tiến triển âm thầm, nhiều người đã sống chung với đường huyết cao trong vài năm trước khi được chẩn đoán bệnh. Vì không có triệu chứng, họ không đi khám. Khi phát hiện bệnh, thực chất biến chứng có thể đã bắt đầu.
Thứ hai, người bệnh chưa kiểm soát đường huyết tốt ngay từ đầu. Một số trường hợp sau khi biết mình mắc đái tháo đường vẫn chưa thay đổi lối sống, chưa điều trị đều đặn hoặc chưa kiểm soát được chỉ số HbA1c. Tình trạng này khiến tổn thương tiếp tục tiến triển.
Thứ ba, do các yếu tố nguy cơ đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hút thuốc, béo phì, ít vận động... góp phần đẩy nhanh tiến trình tổn thương mạch máu và thần kinh.
Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là phát hiện bệnh sớm và kiểm soát đường huyết ngay từ đầu. Thực hiện tốt điều này có thể giúp người bệnh sống khỏe mạnh, giảm đáng kể nguy cơ biến chứng trong tương lai. Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế tinh bột đơn, tăng cường rau xanh - trái cây ít ngọt, vận động thường xuyên tối thiểu 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc lá...
Đối với người chưa mắc đái tháo đường và không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng, cần xét nghiệm đường huyết tầm soát đái tháo đường định kỳ khi 45 trở lên hoặc sớm hơn nếu có thừa cân, béo phì, kèm một trong số các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, mỡ máu cao, có người thân trực hệ (bố mẹ, anh chị em ruột, con ruột) bị đái tháo đường, người ít hoạt động thể lực, các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen).
"Người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh lâu dài với đái tháo đường nếu phát hiện sớm và kiểm soát tốt ngay từ đầu. Quan trọng nhất là đừng chủ quan, đừng chờ có triệu chứng mới đi kiểm tra đường huyết", bác sĩ Ngọc nói.