Bé gái luôn sợ hãi 'như bị ma ám'

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bé gái luôn sợ hãi 'như bị ma ám'

Bé gái luôn sợ hãi 'như bị ma ám'
Hà NộiBé gái 8 tuổi bỗng nhiên tính khí thay đổi, sợ hãi và khóc lóc nói "nhìn thấy ma", bác sĩ chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt khởi phát sớm.

Ngày 11/10, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bé vốn khỏe mạnh, trí tuệ phát triển bình thường, được mọi người xung quanh nhận xét là khá nhanh nhẹn. Cảm xúc của em thay đổi thất thường chỉ vài tháng nay, lúc sợ hãi, khóc lóc, đêm không ngủ được và nói là nhìn thấy có ma.

Người nhà nghĩ con xem phim bị ám ảnh tâm lý nên vỗ về, an ủi, nhưng tình trạng không cải thiện nên đưa đi xem bói, chữa bằng tâm linh. Các biểu hiện ngày càng nặng, bé sợ hãi nhiều hơn, không đi học, thường xuyên ngồi lẩm bẩm nói linh tinh, đêm không ngủ và khóc lóc.

Khi bé vào viện khám, bác sĩ không khai thác được thông tin do trẻ không chia sẻ, chỉ định nằm viện để áp dụng liệu pháp tâm lý. Sau đó, bé tin tưởng bác sĩ hơn và miêu tả "sợ bà hàng xóm vì bà là phù thủy, sẽ bắt con và em trai".

Bé cho biết nghe tiếng nói lạ, những âm thanh hàng ngày vang lên trong đầu trong tai "từ rất lâu rồi", lúc đầu là những lời nói thì thầm, sau đó âm thanh rõ mồn một từng tiếng, xuất hiện từng lúc. Cô bé lo sợ nhưng dần quen nên không sợ nữa. Gần đây, những ảo thanh ngày một nhiều, nội dung đe dọa, cười nhạo, chỉ trích... gây ám ảnh nên bé mới nói cho bố mẹ biết.

Bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhi vẽ tranh. Ban đầu, bé vẽ trường học với toàn là con dơi, mạng nhện, màu sắc đen xì và giải thích: "Đây là trường học bị ma ám, rất đáng sợ".

Sau khi khai thác triệu chứng kèm biểu hiện lâm sàng, bác sĩ loại bỏ nhận định bệnh nhi bị ám thị do xem truyện ma hay phim kinh dị, chẩn đoán "mắc tâm thần phân liệt khởi phát sớm".

Bệnh nhi được điều trị bằng thuốc chống loạn thần. Sau một thời gian, em có thể chơi cùng với những người khác trong phòng, thoải mái nói chuyện chia sẻ, đỡ sợ hãi và đêm ngủ ngon. Đặc biệt, khi bé vẽ tranh, các bức tranh cũng thay đổi rất rõ, tông màu tươi sáng có hoa, có lá, có ánh mặt trời.

"Trường hợp này khởi phát bệnh khá là sớm (ở trẻ dưới 10 tuổi), là trường hợp hiếm gặp tại viện, tiên lượng điều trị không tốt bằng tâm thần phân liệt khởi phát ở tuổi trưởng thành", bác sĩ Yến cho biết. Sau 2-3 tuần nếu ổn định, bệnh nhi sẽ được về nhà, có thể đi học lại nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì thuốc.
Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, thường khởi phát triệu chứng ở người trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời. Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, nhưng có thể do một số yếu tố phối hợp. Ở yếu tố di truyền, khi cha mẹ bị tâm thần phân liệt thì tỷ lệ các con mắc bệnh tăng 12%. Chất hóa học trong não như dopamine góp phần gây ra bệnh và yếu tố môi trường xung quanh quá nhiều stress có thể thúc đẩy bệnh tái phát nhanh hơn.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần phân liệt như hoang tưởng, thường gặp nhất là những ảo giác lời nói. Họ nghe được tiếng nói không có thật và thường chống lại chúng. Có lúc lời nói làm người bệnh nghi ngờ và xa lánh với mọi người. Có khi tiếng nói có thể làm người bệnh mỉm cười, tự cười không duyên cớ. Lời nói của bệnh nhân trở nên khó hiểu, hoặc đang nói họ chuyển sang chuyện khác hay đột ngột ngưng lại rồi một lúc sau mới nói tiếp chủ đề cũ. Đôi khi bệnh nhân nói lung tung đến nỗi người nghe không hiểu họ nói gì. Một số trường hợp bệnh nhân nhốt mình trong phòng kín, bất động hoặc xa lánh mọi người, ít nói chuyện với người thân, trở nên trầm tư, lo âu hay sợ hãi.

Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc cùng các liệu pháp tâm lý. Vai trò của gia đình là rất quan trọng. Người bệnh phải được theo dõi, đặc biệt là quản lý việc uống thuốc, bởi đây là bệnh mạn tính, có thể tái phát.

Bác sĩ khuyên khi người nhà có một hoặc vài triệu chứng trên, cần đưa đến bác sĩ tâm thần khám và điều trị càng sớm càng tốt. Tâm thần phân liệt là bệnh mạn tính cần điều trị suốt đời, ngay cả khi triệu chứng đã giảm. Điều trị bao gồm dùng thuốc và liệu pháp tâm lý xã hội. Trong thời kỳ khủng hoảng hoặc bệnh nhân có các triệu chứng nặng nên nhập viện để đảm bảo an toàn cho mình và cho cộng đồng, chăm sóc tốt, dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ, vệ sinh thân thể cơ bản.

Bản đồ