4 người Mỹ tử vong vì 'vi khuẩn ăn thịt người'
4 người ở Florida đã tử vong trong thời gian gần đây do nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người", theo giới chức y tế bang.
Thủ phạm là vi khuẩn Vibrio vulnificus, sinh sôi mạnh trong nước biển ấm. Các ca tử vong được ghi nhận ở những quận ven biển khác nhau trên khắp Florida. Hiện chưa rõ các nạn nhân đã bị lây nhiễm qua đường nào. Ngoài 4 người tử vong, có 7 trường hợp đang điều trị.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), vi khuẩn này có thể xâm nhập qua các vết thương hở trên da, dẫn đến bệnh viêm cân mạc hoại tử, thường gọi là bệnh ăn thịt người. Ngoài ra, con người còn có thể bị nhiễm khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, đặc biệt là hàu sống.
Theo CDC, tỷ lệ tử vong do nhiễm Vibrio vulnificus là khoảng 20%. Giáo sư Antarpreet Jutla, chuyên ngành kỹ thuật tại Đại học Florida, người nghiên cứu về vi khuẩn Vibrio, cho biết các ca nhiễm Vibrio vulnificus vẫn hiếm gặp, nhưng có xu hướng gia tăng sau các cơn bão. Năm ngoái, Florida ghi nhận 82 ca, con số được cho là gia tăng do mùa bão đặc biệt hoạt động mạnh.
Vibrio vulnificus là gì?
Giáo sư vi sinh học Rita Colwell, Đại học Maryland, nói Vibrio vulnificus là một trong hơn 200 loài vi khuẩn nhóm Vibrio. Phần lớn loài Vibrio không gây hại cho con người. Một số chỉ ảnh hưởng đến các loài động vật khác.
Tuy nhiên, theo Bệnh viện Cleveland Clinic, mỗi năm vi khuẩn Vibrio vẫn gây ra khoảng 80.000 ca nhiễm ở người, phần lớn là rối loạn tiêu hóa. Chỉ khoảng 100 đến 200 ca mỗi năm là do Vibrio vulnificus. Một biến thể khác, Vibrio cholerae, là nguyên nhân gây ra bệnh tả.
Do vi khuẩn Vibrio ưa môi trường nước ấm, chúng phổ biến dọc các bờ biển phía đông nam nước Mỹ, song cũng đã được phát hiện tại Bờ Tây. Jutla cho biết, khi nhiệt độ đại dương tăng lên, các ca bệnh xuất hiện ngày
Ai có nguy cơ cao?
Tiến sĩ Norman Beatty, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại hệ thống y tế Đại học Florida, cho biết vi khuẩn Vibrio có thể xâm nhập vào các vết thương hở sau khi người bệnh tiếp xúc với nước biển mặn hoặc nước lợ. Phần lớn các ca ông từng gặp đều có liên quan đến việc ngâm mình lâu trong nước, nhưng chỉ một lần tiếp xúc ngắn cũng có thể gây nhiễm.
Beatty nói các dấu hiệu nhiễm trùng có thể xuất hiện chỉ sau vài giờ, bao gồm đỏ da, sưng tấy và mụn nước hình mắt bò. Vùng nhiễm cũng gây đau đớn rõ rệt. Nếu không điều trị, vi khuẩn có thể lan vào máu, gây nhiễm trùng huyết, một tình trạng có thể dẫn đến tử vong. Triệu chứng bao gồm sốt, ớn lạnh và huyết áp giảm nguy hiểm, theo CDC.
Jutla cho biết những người bị xơ gan, hệ miễn dịch suy yếu và người trên 65 tuổi là nhóm có nguy cơ nhiễm cao nhất. Nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus có thể được điều trị bằng kháng sinh.
Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn
Beatty khuyến cáo nên che chắn mọi vết thương hở trước khi xuống biển. Ông nói chỉ cần một miếng băng dán chống nước là đủ.
Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân nên đi khám ngay lập tức. Việc trì hoãn điều trị có thể là yếu tố quyết định giữa một ca bệnh nhẹ và một biến chứng nghiêm trọng.
"Chậm trễ trong việc đến cơ sở y tế là lý do khiến nhiều người gặp biến chứng nặng hơn, trong khi những người được điều trị kháng sinh ngay trong ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng có khả năng hồi phục tốt và tránh được các biến chứng nặng nề", ông nói.