20 viên sỏi trong túi mật thai phụ

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

20 viên sỏi trong túi mật thai phụ

20 viên sỏi trong túi mật thai phụ
TP HCMChị Hoa, 29 tuổi, mang thai 19 tuần, đau bụng, nôn ói tưởng đau dạ dày, bác sĩ phát hiện gần 20 viên sỏi lấp đầy túi mật và ống mật chủ.

Trước đó chị Hoa đau bụng đi khám mới phát hiện mang thai 6 tuần và có sỏi ở túi mật. Để đảm bảo an toàn cho thai nhi, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chỉ định bệnh nhân điều trị nội khoa, theo dõi định kỳ.

Đến tuần thai 19, chị đau quặn bụng nhiều hơn kèm nôn ói. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) bụng của thai phụ cho thấy có gần 20 viên sỏi ở túi mật và ống mật chủ, giãn đường mật trong và ngoài gan. Siêu âm bụng ghi nhận lòng túi mật có nhiều sỏi kích thước 1,2 cm, thâm nhiễm quanh túi.

Ngày 22/10, TS.BS Phạm Công Khánh, chuyên khoa Tiêu hóa, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Hoa bị viêm túi mật do viên sỏi to kẹt ở cổ túi mật, lại có nhiều sỏi ở ống mật chủ làm tắc nghẽn đường vận chuyển mật tự nhiên và gây viêm đường mật.

Bác sĩ Khánh giải thích phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi mật do cơ thể tiết ra nhiều hormone estrogen và progesterone làm giãn các mô cơ, chậm quá trình bài tiết mật nên dễ hình thành sỏi. Người bệnh cần được phẫu thuật loại bỏ sỏi, tránh biến chứng vỡ hoặc hoại tử túi mật, thấm mật vào phúc mạc, ngừa nguy cơ sốc mật, nhiễm trùng máu ảnh hưởng đến tính mạng của cả hai mẹ con.
Các bác sĩ hội chẩn quyết định cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) để lấy sỏi. Người bệnh được gây mê nội khí quản, che chắn vùng bụng dưới bằng áo chì để bảo vệ thai nhi khỏi ảnh hưởng của tia X. Trong lòng túi mật cũng có nhiều sỏi kích thước 6-8 mm. Tổng cộng gần 20 viên sỏi được lấy ra ngoài.

Hậu phẫu, chị Hoa hết đau bụng, sức khỏe thai nhi ổn định. Ba ngày sau mổ, người bệnh giảm đau nhiều, có thể ăn uống bình thường và xuất viện sau một ngày.
Triệu chứng sỏi mật gồm đau ở vùng thượng vị (trên rốn), tại vị trí túi mật, cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói, dữ dội theo từng cơn, có thể kèm theo sốt, buồn nôn. Sỏi có thể di chuyển vào ống mật chủ gây tắc mật, viêm đường mật hay viêm tụy cấp.

Tùy thuộc vào mức độ bệnh, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu cơn đau không nghiêm trọng sẽ ưu tiên điều trị nội khoa để giảm triệu chứng, kiểm soát triệu chứng trong suốt thai kỳ. Nếu sỏi túi mật gây biến chứng, bác sĩ can thiệp phẫu thuật hoặc nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi. Cắt túi mật là phẫu thuật thường gặp trong thai kỳ, chỉ sau phẫu thuật cắt ruột thừa. "Phẫu thuật cắt túi mật an toàn cho thai phụ giai đoạn ba tháng giữa thai kỳ", bác sĩ Khánh nói.

Để phòng ngừa và ngăn biến chứng sỏi mật trong thai kỳ, phụ nữ nên hạn chế chất béo, tăng cường chất xơ, uống đủ nước, duy trì vận động nhẹ nhàng mỗi ngày. Thai phụ cần tầm soát sức khỏe, đi khám ngay khi phát hiện sỏi để bác sĩ tư vấn hướng theo dõi và điều trị, tránh những biến chứng xảy ra.

Bản đồ