Tăng vọt trẻ gặp bệnh mắt, 3 tuổi đã cận thị do cứ ăn cơm là xem máy

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tăng vọt trẻ gặp bệnh mắt, 3 tuổi đã cận thị do cứ ăn cơm là xem máy

Tăng vọt trẻ gặp bệnh mắt, 3 tuổi đã cận thị do cứ ăn cơm là xem máy
(Dân trí) - Nhiều gia đình sử dụng điện thoại như một cách để trông con kéo theo tình trạng cận thị sớm ở trẻ
Bé T.A.Đ., 3 tuổi, sống tại Hà Nội, được gia đình đưa đến khám tại khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với các triệu chứng: nháy mắt liên tục, dụi mắt nhiều.

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi, ThS.BSCKII Trần Thị Thủy, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Mắt cho biết: "Qua khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, từ khi bé Đ. được hơn một tuổi, gia đình đã sử dụng điện thoại thông minh như một công cụ để dỗ bé ăn cơm.

Trung bình mỗi ngày, bé xem 1-2 tiếng, bao gồm các video hoạt hình và chương trình thiếu nhi. Ban đầu, phương pháp này giúp trẻ ăn ngoan hơn, nhưng hậu quả xuất hiện chỉ sau hai năm".

Đến năm 3 tuổi, bé Đ. bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như: nheo mắt khi nhìn, nhìn gần quá mức và không tập trung vào các vật ở xa. Khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện thị lực của bé đã suy giảm và Đ. được chẩn đoán mắc cận thị sớm.

Gia tăng trẻ gặp bệnh mắt do dùng điện thoại quá sớm
Thống kê tại khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho thấy, trong vòng 5 năm qua, số lượng trẻ đến khám do các vấn đề liên quan đến mắt đã tăng gấp 2-3 lần so với thời gian trước. Trong đó, phần lớn các trường hợp có liên quan đến việc sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng và tivi.

BS Thủy chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên gặp các bệnh nhi với tình trạng nháy mắt, dụi mắt hoặc nhìn gần quá mức. Phần lớn các em đều được tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử từ rất sớm, thậm chí chỉ hơn một tuổi. Bố mẹ thường cho trẻ xem để dỗ ăn cơm hoặc cho trẻ tự chơi lúc đang bận rộn cần tiếp khách, xử lý công việc.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý như nhức mỏi mắt, hội chứng mắt khô và đặc biệt là cận thị sớm".

Theo BS Thủy, qua trao đổi, nhiều bố mẹ khi thấy con có dấu hiệu vấn đề ở mắt đã lo lắng và tập cho trẻ cai thiết bị điện tử. Thế nhưng, vì trẻ được hình thành thói quen sử dụng điện thoại, máy tính bảng quá sớm nên rất khó khăn.

Vì sao thiết bị điện tử gây hại cho mắt trẻ em?
Theo BS Thủy, mắt trẻ em rất nhạy cảm và chưa hoàn thiện về mặt cấu trúc. Việc tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử có thể gây ra nhiều vấn đề.

"Nghiên cứu cho thấy, tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh có thể gây tổn thương võng mạc, đặc biệt là điểm vàng. Đây vốn là vùng quan trọng của mắt giúp nhìn rõ chi tiết", BS Thủy phân tích.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, trẻ thường cầm điện thoại sát mắt sẽ khiến mắt phải điều tiết liên tục, gây nhức mỏi và dẫn đến cận thị.

Bố mẹ cần làm gì để bảo vệ đôi mắt cho con?

Trước thực trạng này, BS Thủy đưa ra một số khuyến cáo quan trọng dành cho phụ huynh:

- Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử: Trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử. Trẻ 2-5 tuổi, nếu bắt buộc, chỉ nên sử dụng tối đa 15-20 phút/lần, không quá một giờ/ngày.

- Đảm bảo khoảng cách từ mắt đến màn hình ít nhất là 30-40cm.

- Khuyến khích các hoạt động thay thế: Tăng cường các hoạt động ngoài trời như chạy nhảy, chơi bóng, đi bộ, giúp mắt thư giãn và giảm nguy cơ cận thị. Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các trò chơi sáng tạo như xếp hình, vẽ tranh, hay đọc sách.

- Kiểm tra mắt định kỳ: Đưa trẻ đi khám mắt ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện sớm các vấn đề về thị lực.

Việc sử dụng thiết bị điện tử để dỗ trẻ ăn hay giúp trẻ yên tĩnh chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng hệ quả có thể kéo dài suốt đời. Phụ huynh cần nhận thức rõ tác hại của thiết bị điện tử đối với sức khỏe mắt trẻ em và thay đổi thói quen ngay từ hôm nay.

BS Thủy nhấn mạnh: "Hãy dành thời gian chơi cùng con, kể chuyện, hay cùng con tham gia các hoạt động bổ ích thay vì để trẻ dán mắt vào màn hình".

Bản đồ